Cảnh giác với hoạt động mua bán tiền giả trên mạng xã hội

Mỹ Hằng| 27/04/2017 10:22

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… xuất hiện những lời chào hàng “mua bán tiền giả” một cách công khai, với cam đoan “giống tiền thật đến 98%”. Vì ham lợi trước mắt mà không ít người đã bỏ tiền thật ra mua tiền giả để đi tiêu thụ mà không biết rằng đó là cái bẫy lừa đảo, nhất là vi phạm pháp luật.

ADQuảng cáo

Mua bán tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội

Chỉ cần lên Facebook gõ từ khóa “mua tiền giả” thì xuất hiện kết quả hàng trăm Fanpage và trang cá nhân có tên như “Mua bán…”, “Mua bán trao đổi…”, “Mua bán tiền…”. Mỗi lời rao bán “tiền giả” thu hút được hàng trăm lượt like, lượt chia sẻ.

Facebook Thảo Nguyễn chào hàng: “Bên mình bán tiền giả tỉ lệ 1-9 cho những ai đang cần tiền để tiêu thụ hoặc xử lý việc riêng, ai quan tâm thì ib”. Còn facebook Nguyên Nguyên có địa chỉ ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đăng thông tin: “Tiền mới nhập chất lượng cao. Đổi theo tỉ lệ 1-8, giao hàng an toàn nhanh chóng”…  

Trong vai người đang tìm mua tiền giả để về trả nợ, tôi vào facebook mang tên Nguyên Nguyên ở Buôn Ma Thuột để hỏi mua. Qua một hồi nói chuyện, tôi ngỏ ý muốn mua 1 triệu đồng tiền giả thì chủ tài khoản bảo 1 triệu tiền thật mua được 10 tiệu tiền giả và hỏi cần mệnh giá 50, 100, 200 hay 500?.

ADQuảng cáo

Khi tôi hỏi giao hàng thế nào, có uy tín không hay là lấy cọc rồi không giao hàng thì người này bảo phải đặt cọc trước 20% dưới hình thức mua card điện thoại. Sau đó, chủ tài khoản liên tục nhắn tin, hối thúc tôi nộp card: “Mua bán phải đặt uy tín lên hàng đầu, chị yên tâm, bên em không bao giờ lừa ai. Khi nào nhận được mã số thẻ card thì sẽ có người liên hệ để giao hàng”. Tôi bảo: “Thích thì thích nhưng chị sợ tiêu tiền giả công an bắt được hoặc người dân phát hiện thì sao?”. Chủ tài khoản bảo: “Chị yên tâm đi, chỉ cần không vào ngân hàng hay siêu thị thì không ai phát hiện ra tiền giả cả. Ở Đắk Nông và nhiều nơi khác người ta mua hàng của em nhiều lắm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cần trao đổi qua mạng, người bán sẽ tư vấn và thông báo giá cả quy đổi. Để thực hiện giao dịch, người bán thường yêu cầu người mua đặt cọc 20% số tiền thật bằng cách nộp card điện thoại hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, còn “hàng” thì sẽ được chuyển trực tiếp bằng đường bưu điện hoặc có người đưa tới tận nơi (nếu gần). Các đối tượng rao bán tiền giả còn hướng dẫn tận tình cách sử dụng để không bị phát hiện như tránh máy soi tiền, nên chia nhỏ để mua hàng tạp hóa, đổ xăng và đặc biệt là tránh tiêu thụ ở siêu thị hoặc vào ngân hàng.

Điều đáng nói là sau những lời chào hàng, hàng trăm lượt người like và hỏi thông tin, địa chỉ để mua. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người lên tiếng phản đối việc buôn bán tiền giả này và cũng không ít người vào các trang cá nhân này để chửi rủa vì đã bị lừa chiếm dụng tiền cọc trên mạng.

Hành vi rao bán tiền giả trên mạng là vi phạm pháp luật, nên mọi người cần hết sức cảnh giác. Những người hám lợi nhuận rất dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ chuyên lừa đảo. Người có ý định mua tiền giả rất dễ bị lừa, mất tiền thật vì phải chuyển tiền thanh toán trước cho bên rao bán. Khi bọn lừa đảo nhận được tiền thì sẽ “biến mất”, khóa tài khoản, chặn số điện thoại và thậm chí giao tiền giả là tiền âm phủ. Về phía cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương vào cuộc tìm hiểu, ngăn chặn hoạt động mua bán tiền giả trên mạng xã hội để giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với hoạt động mua bán tiền giả trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO