Cảnh giác với tội phạm dùng mạng xã hội để lừa đảo

Hoàng Thanh| 26/01/2018 10:06

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (PC 45) cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một loại tội phạm mới dùng mạng xã hội để lừa đảo.

ADQuảng cáo

Loại tội phạm này trước đây thường ra tay tại các thành phố lớn nhưng gần đây chúng đã chuyển địa bàn về các tỉnh, thành khác, trong đó có tỉnh Đắk Nông. Theo PC 45, trong năm 2017, đơn vị đã nhận được đơn thư, điện thoại của rất nhiều người dân trong tỉnh báo về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Kịch bản của chúng là dùng mạng xã hội như zalo, facebook để thông báo trúng thưởng, có hàng từ nước ngoài gửi về, thậm chí là đang dính vào một vụ án…, khiến người bị lừa đảo không tỉnh táo, hám tiền hoặc rơi vào trạng thái hoảng sợ, sau đó làm theo yêu cầu của chúng.

Đơn cử như bà N.T.T ở huyện Đắk Mil bị các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội thông báo có hàng từ nước ngoài gửi về, muốn nhận hàng phải gửi tiền theo số tài khoản chúng đưa cho. Các đối tượng này còn giả làm cán bộ hải quan, ngân hàng để chị T tin. Hàng không thấy đâu nhưng bà T bị lừa mất gần 1 tỷ đồng.

Một thủ đoạn khác nữa là chúng dùng hình thức trúng thưởng khi mua hàng, quay số ngẫu nhiên may mắn để lừa đảo. Chị T.P.U ở  huyện Đắk R’lấp cho biết, trong tháng 11/2017, chị nhận được tin nhắn qua facebook rằng mình may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy đắt tiền. Theo yêu cầu, muốn nhận hàng trúng thưởng thì chị phải chuyển 20 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị U liên lạc nhiều lần không được, khi đó  mới biết mình bị lừa.

Anh V.V.Th ở Gia Nghĩa cho biết, một ngày cuối tháng 9, anh nhận được điện thoại của một người xưng là công an nói anh đang dính líu tới một vụ án ma túy mà lực lượng công an đang điều tra, nên phải gửi tiền để chúng xác minh tài sản…

Theo Công an tỉnh, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 13 người dân bị các đối tượng dùng mạng xã hội lừa đảo với tổng số tiền 2 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Cũng theo PC 45, khó khăn lớn nhất trong công tác điều tra là lần ra manh mối số điện thoại. Hầu hết các vụ lừa đảo, đối tượng thường sử dụng tài khoản, số điện thoại liên lạc từ ngước ngoài, nên ngay khi tiền chuyển đến tài khoản ảo, tiền sẽ được chuyển qua khỏi biên giới. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lừa đảo vào các ngày nghỉ cuối tuần, hệ thống ngân hàng thường không làm việc, nên việc phong tỏa tài khoản khó khăn.

Mạng xã hội đang phát triển với nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối cộng đồng, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Đơn cử, ứng dụng Zalo với tiện ích “tìm quanh đây” giúp xác định những người cùng sử dụng mạng trong phạm vi bán kính 2 km, các đối tượng xấu có thể định vị vị trí, xác định thông tin cá nhân, giới tính của nhiều người. Hay mạng Facebook, với tính năng tiện ích “Check in”, “Kết bạn” cũng rất dễ bị lợi dụng để khai thác thông tin cá nhân…

Thông thường, các đối tượng mua tên miền, code, hosting (máy chủ ảo vận hành website) từ một số cá nhân rao bán trên mạng internet, rồi gửi các thông tin email, hình ảnh, nội dung web (số điện thoại đối tượng dùng làm “tổng đài” nhận liên lạc từ người bị hại truy cập vào website… Vì vậy, lực lượng công an khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như ngày sinh, số chứng minh nhân dân, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội.

Người dân cũng cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Nhóm tội phạm công nghệ cao thường hoạt động có tổ chức và thường xuyên thay đổi địa điểm, đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài.

Theo Công an tỉnh, khi có người mạo danh gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, mà thường gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc. Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là lừa đảo.

Ngoài ra, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng… Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tội phạm dùng mạng xã hội để lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO