Đau lòng nạn buôn bán người (kỳ 2): Sự thật ở bên kia biên giới

Phan Tuấn| 11/01/2018 09:32

Sau khi bị bán, các nạn nhân đều rơi vào tình cảnh khốn cùng, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Từ lời kể của những người trốn thoát trở về cũng như qua điều tra, xét xử các vụ án, đã phần nào lột tả được những chuyện đau lòng.

ADQuảng cáo

Một kẻ buôn bán người bị lực lượng công an bắt giữ

Địa ngục trần gian

Năm 2015, một nạn nhân tên B, ở huyện Đắk Glong may mắn từ Trung Quốc trở về Việt Nam để tố cáo những đối tượng đã lừa bán mình vào “động quỷ”.

B kể lại rằng, đầu năm 2014, Hoàng Văn Quyền, tạm trú ở Đắk Glong, giới thiệu chị gái của anh ta ở Lào Cai đang cần người làm công việc rửa chén bát, với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Nếu B giới thiệu được người sẽ được hưởng hoa hồng. Đang trong hoàn cảnh khó khăn, B liền đồng ý đi Lào Cai và hứa với Quyền sẽ rủ thêm bạn đi cùng. Ít ngày sau, B đến thị xã Gia Nghĩa gặp hai cô bạn là N và T để rủ đi Lào Cai. N và T nhanh chóng đồng ý đi theo B.

Theo sự chỉ dẫn của Quyền, 3 cô gái đến bến xe khách huyện Đắk Glong để đón xe đi Lào Cai. Do Quyền không đi cùng mà giao các cô cho hai người đàn ông khác nên, N không chịu đi. Khi đó, chỉ còn lại B và T theo chân hai kẻ lạ mặt. Sau khi đến Lào Cai, B và T bị lừa bán vào một nhà chứa nằm ở một khu vực heo hút tại Trung Quốc.

Theo lời B, cuộc sống của cô và T tại nhà chứa ở Trung Quốc chẳng khác gì địa ngục trần gian. Tại đây, mỗi ngày, B phải tiếp khách từ 17 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau và phải phục vụ nhiều khách làng chơi rồi mới được nghỉ ngơi. Toàn bộ số tiền đều bị chủ chứa lấy hết, kể cả phần khách cho riêng.

Theo hồ sơ nhiều vụ án, các nạn nhân nữ thường bị bán cho những người đàn ông nước ngoài để làm vợ. Những người đàn ông nước ngoài này thường có hoàn cảnh khó khăn, khó lấy vợ. Do đó, những nạn nhân bị lừa bán phải sinh sống trong điều kiện lam lũ, khổ cực hơn ở nhà rất nhiều.

Cũng có một số nạn nhân bị bán vào các trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy, nhưng bị bóc lột sức lao động quá sức, làm việc trong điều kiện khổ cực và không được nhận tiền thù lao. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những cô gái trẻ thường bị bán vào các động mại dâm, hàng ngày bị ép bán dâm nhiều lần và bị chủ chứa khống chế, hành hạ, không trả lương.

ADQuảng cáo

Theo nạn nhân B, sau khi rơi vạo “động quỷ”, cô đã chứng kiến rất nhiều cô gái là người Việt cũng bị lừa bán vào đây. Bất cứ người nào khi đã bị bán vào đây thì đều phải chịu sự dày vò từ thể xác cho đến tâm hồn. Họ lúc nào cũng bị giam cầm, không được tự do đi lại. Xung quanh chỗ ở của B  luôn có nhiều người đàn ông hung hãn canh giữ suốt ngày đêm.

Vẫy vùng tìm lối thoát

Nhiều người vì không chịu đựng được sự cực khổ nên đã liều mình bỏ trốn. Thế nhưng, việc bỏ trốn hầu như không thành công và bị bắt lại, rồi bị chủ chứa đánh đập thậm tệ, bỏ đói nhiều ngày. Nạn nhân V.T.C (SN 1995), trú tại Đắk Glong kể lại câu chuyện như sau: Qua điện thoại, đối tượng Hoàng Seo Vảng (SN 1988), ở tỉnh Sơn La có quen biết chị C. Sau một thời gian nói chuyện, Vảng đã dụ dỗ chị C ra tỉnh Hà Giang sinh sống và làm việc với thu nhập cao. Sau đó, Vảng đã bắt xe từ Hà Giang vào Đắk Glong đón chị C. Khi ra tới Hà Giang, Vảng cùng với một người bạn tên Xẻng đưa C đi bán cho một nhóm đối tượng người Trung Quốc. Sau khi bị bán, chị C phải trải qua những ngày tháng khổ cực.

Đau đớn, tuyệt vọng, chị C nhiều lần tìm cách trốn về, nhưng đều thất bại. Phải lén lút mãi, chị C mới mượn được điện thoại gọi về cho người thân. Sau đó, người nhà của C đã ghi âm lại cuộc nói chuyện và làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Chị C sau đó được giải cứu thành công.

Theo C, có rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, muốn được trở về, nhưng không có cách nào. Họ đã nhiều lần bỏ trốn nhưng đều bị bắt lại và bị đánh đập dã man. Thậm chí, do bị đọa đày quá mức, nên có những người chấp nhận buông xuôi cuộc đời, sống mà như cái xác không hồn.

Cũng theo C, những trường hợp được giải cứu như chị là vô cùng may mắn, hy hữu lắm mới có. Bởi vì, những tay mua bán người đều không có lương tâm. Khi đã bỏ tiền mua được ai thì chúng tìm mọi cách để khai thác, tận dụng triệt để sức lao động của người đó. Nếu trường hợp không còn giá trị sử dụng thì bọn chúng lại đem bán cho kẻ khác. Chính vì thế, nếu ai đó đã rơi vào tay bọn buôn người thì cuộc đời coi như đã chấm hết.

Theo thống kê của Công an tỉnh, kể từ năm 2011 đến nay, mới chỉ có khoảng 14 nạn nhân bị bán sang nước ngoài được giải cứu hoặc trốn thoát về với gia đình. Con số này là quá ít ỏi so với thực tế số người bị đem bán qua bên kia bên giới...

>> Kỳ 3: Phòng và chống ngay từ gốc

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau lòng nạn buôn bán người (kỳ 2): Sự thật ở bên kia biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO