Gìn giữ màu xanh ở Tà Đùng

Bài, ảnh: Đỗ Công - Phan Tuấn| 30/12/2018 10:14

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng (Đắk Glong) nằm trên địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng có diện tích rừng và đất rừng hơn 21.000 ha. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị không nhiều, nhưng câu chuyện về giữ rừng và phát triển vốn rừng của họ rất đáng trân trọng.

ADQuảng cáo

Rừng tự nhiên và hàng trăm ha rừng bán ngập ở lòng hồ đang được Khu BTTN Tà Đùng bảo vệ hiệu quả

Cùng đồng bào giữ rừng

Những ngày cuối năm 2018, buổi sáng ở vùng núi Tà Đùng sương giăng kín. Dù mùa khô, nhưng khi đứng trên vùng đất cao hơn mực nước biển cả nghìn mét, những cơn gió lạnh vẫn cắt vào da thịt. Khi mùa khô Tây Nguyên bắt đầu vào thời điểm gay gắt thì cũng là lúc lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng cùng người dân xã Đắk Som tổ chức làm đường băng cản lửa. Khi mặt trời chưa tỏ, mọi người đã tập trung phát dọn, gom cành, lá khô để tạo đường băng sạch sẽ, không còn vật có thể bắt lửa. Dưới tán rừng, sau hơn một giờ miệt mài phát dọn, đường băng cản lửa đã hình thành cho một vạt rừng rộng lớn.

Tranh thủ giải lao sau một hồi quét dọn, ông K’Brế, tổ trưởng tổ nhận khoán ở xã Đắk Som tâm sự: “Tổ mình có 13 thành viên và mỗi hộ được nhận khoán 30 ha rừng. Khi nhận khoán rừng thì không chỉ là trông coi không cho người ta vào phá rừng mà còn phải biết chăm sóc, phát triển nó. Như hôm nay, bà con mình cùng cán bộ Khu Bảo tồn làm đường băng cản lửa để không xảy ra cháy rừng trong mùa khô. Như vậy cũng là cách để bảo vệ rừng”. 

Đồng bào địa phương tham gia làm đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu BTNT Tà Đùng cho biết: “Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 19 kiểm lâm và một số người hợp đồng. Số người hạn chế, nhưng địa bàn quản lý rộng (Đắk Nông và Lâm Đồng-PV) nên đơn vị phải tập trung giao khoán rừng cho đồng bào các địa phương cùng tham gia quản lý bảo vệ. Trong tổng số gần 16.000 ha rừng tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng, Khu BTTN Tà Đùng giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ hơn 6.000 ha. Bà con nhận khoán được chia làm 19 tổ với 201 hộ gia đình ở các xã Đắk Som, Đắk R’măng (Đắk Glong) và các xã Phi Liêng, Đạt K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng)”.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Long, khi nhận khoán rừng, mỗi năm một hộ gia đình được nhận từ 15-20 triệu đồng tiền hỗ trợ. Có thêm nguồn thu nhập, bà con rất phấn khởi và yên tâm tham gia quản lý bảo vệ rừng. Điều quan trọng hơn, khi có sự tham gia giữ rừng của đồng bào cũng đồng nghĩa với việc rừng trong Khu Bảo tồn ngày càng ít bị xâm hại.

Cán bộ kiểm lâm và người dân nhận khoán rừng tham gia tuần tra rừng

Nỗ lực phát triển vốn rừng

Nằm trọn trong Khu BTTN Tà Đùng là lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 rộng hàng nghìn ha. Những năm trước, khi nước hồ thủy điện rút đến đâu thì những vạt đất trống nhô ra đến đó, không đẹp mắt. Giờ đây, nhờ những vạt rừng ngập nước được Khu BTTN Tà Đùng trồng trong 3 năm qua mà những diện tích đất trống đó dần được phủ xanh và hồ Tà Đùng dần đẹp hơn.

Gắn bó và theo dõi sát sao việc trồng rừng, ông Khương Thanh Long cho biết, để trồng được 300 ha rừng bán ngập vùng lòng hồ thủy điện là cả một câu chuyện dài. “Trồng rừng bán ngập là câu chuyện rất mới ở đơn vị. Ngoài rủi ro về sâu bệnh xâm hại thì cây rừng còn đối mặt với tình trạng ngập nước rất lâu và ngược lại là khô hạn khi hồ thủy điện rút nước. Để đối phó với côn trùng ăn cây rừng non, đơn vị đã phải cắt cây lồ ô thành ống và cho từng cây rừng vào trong rồi mới trồng. Đến thời điểm mực nước trong hồ rút sâu, cây bị khô cạn thì mọi người phải dùng vòi, lấy nước từ lòng hồ tưới cho cây rừng”, ông Khương Thanh Long giải thích.

Tương tự như công tác bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên, ở khu rừng trồng bán ngập, Khu BTTN Tà Đùng huy động cán bộ đơn vị và kết hợp với đồng bào địa phương tham gia trồng và chăm sóc. Với việc huy động cả cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng mà nhiều năm qua ở Tà Đùng chưa xảy ra vụ xâm hại rừng nào nghiêm trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ màu xanh ở Tà Đùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO