Hang động núi lửa Krông Nô đang bị xâm hại

Văn Tâm| 16/03/2016 10:13

Hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô được coi là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á.

ADQuảng cáo

Hiện nay, hệ thống các hang động này đang trong giai đoạn khảo sát, đánh giá toàn diện nên chưa mở cửa cho các tổ chức, cá nhân tham quan du lịch. Trên các cửa hang C1, C2, C3…, ngành chức năng đã gắn các tấm biển cảnh báo “Cấm vào, khu vực hang động đang khảo sát”.

Mặc dù có biển cấm nhưng hàng ngày, nhiều người vẫn ra vào hang

Thế nhưng, ngay tại các lối vào hang hiện đã mòn nhẵn do có quá nhiều người qua lại. Tại hang C1, bước vào cửa hang đã phát hiện ngay các đoạn dây nối sâu vào cuối hang và các nhánh rẽ để giúp người vào hang lần theo không bị lạc. Điều đáng nói là ngay bên ngoài cửa cũng như trong hang vương vãi rất nhiều mảnh đá bị đục gỡ. Đó chính là dấu vết khi người ta đã lấy đi phần thạch nhũ, còn phần đá vỡ vụn thì bỏ lại.

Tương tự, tại hang C2, ngoài dấu vết các dây dẫn đường nối vào các nhánh rẽ của hang, những người vào hang trước đó còn để lại một đống củi cháy nham nhở, các cụm thạch nhũ trên nền hang bị giẫm đạp, mất đi kiến tạo ban đầu. Các gờ đá tạo nên thạch nhũ bị đục gỡ hầu như khắp trong hang. Tại hang C3, sau khi tìm hiểu, tình trạng xâm hại cũng diễn ra tương tự.

Nơi những mảng thạch nhũ bị đục gỡ chỉ còn lại tường đá trần trụi

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Tráng, một người dân địa phương cho biết, hàng ngày, nhiều người sau khi đến tham quan thắng cảnh cụm thác Đray Sáp-Gia Long thì thường kéo nhau đến các hang động núi lửa. Nhiều nhóm tự đi với nhau một cách tự do nên chẳng ai biết được họ làm gì trong đó.

Theo các nhà khoa học, để có được một cụm thạch nhũ có hình dáng vươn ra ngoài gờ đá thì phải mất hàng trăm, hàng ngàn năm. Vậy mà nhiều người vào hang đục phá một cách không thương tiếc. Đó là một hành động vi phạm tài nguyên, cần phải sớm ngăn chặn.

Cũng theo những người dân đã từng đưa các nhà khoa học trong nước và Nhật Bản đến khảo sát hệ thống hang động trên địa bàn thì không chỉ các hang trong khu vực cụm thác Đray Sáp-Gia Long mà hầu hết các hang động trải dài đến xã Buôn Choáh đều bị xâm hại. Trong đó, tình trạng đục gỡ lấy các thạch nhũ là phổ biến nhất.

Tình trạng đục gỡ thạch nhũ và xâm hại các hang động không chỉ làm mất cấu trúc đặc trưng mà còn gây nguy cơ sụt lở, mất cân bằng kiến tạo

Qua tìm hiểu thêm, được biết, thời gian qua, ngoài một số nhóm tự phát tổ chức đến thăm các hang động núi lửa thì còn có một lượng lớn du khách do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành-đơn vị quản lý, kinh doanh cụm thác Đray Sáp – Gia Long, đứng ra đưa đi tham quan. Theo một hướng dẫn viên của Công ty, mỗi một lần đi tham quan các hang thì khách phải trả 100.000 đồng/người để thuê mũ bảo hiểm và đèn pin.

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại, tác động tiêu cực đến danh thắng đang trong quá trình điều tra, khảo sát, ngành chức năng của tỉnh cần cấp bách có biện pháp quản lý, bảo vệ các hang động một cách nghiêm ngặt

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hang động núi lửa Krông Nô đang bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO