Khổ vì loa di động

Bài, ảnh: Hoàng Thanh| 28/09/2018 09:47

Gọn nhẹ như một chiếc vali, chất lượng âm thanh cũng không thua kém một dàn karaoke gia đình, nhiều người đã mua bộ loa di động để đáp ứng nhu cầu giải trí, nhưng việc sử dụng lắm lúc gây nhiều phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh.

ADQuảng cáo

Ồn ào mọi lúc, mọi nơi

Loa di động hay còn gọi là "loa kẹo kéo" hiện được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thiết bị điện tử này được thiết kế gọn nhẹ, micro karaoke liền loa, có kết nối bluetooth với điện thoại thông minh, máy tính bảng trong phạm vi khoảng 10 m. Hơn nữa, so với các thiết bị cùng loại, loa di động có giá rẻ, chủng loại phong phú nên ngày càng có nhiều người mua để phục vụ nhu cầu giải trí. Với sự thuận lợi đó mà người sử dụng dễ dàng “khoe” giọng mọi lúc, mọi nơi.

Loa di động được bày bán tại nhiều cửa hàng điện tử

Ông Trần Văn Ph, ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cho biết, ngày nào gia đình ông cũng phải “chịu trận” vì ông bạn hàng xóm mê ca hát. Mấy tháng trước, ông hàng xóm tậu về một chiếc “loa kẹo kéo”, thế là hễ rảnh rỗi là lại làm... ca sĩ. Ban ngày đi làm còn đỡ, đêm xuống, ông bạn hàng xóm có khi hát đến gần nửa đêm. Của đáng tội, giọng hát ông hàng xóm quá tệ, những hộ ở gần như bị “tra tấn”. Vì tình làng nghĩa xóm, ông Ph đã nhiều lần khuyên bảo song ông hàng xóm ngang ngược không chịu từ bỏ thói quen này, thế là ông phải nhờ chính quyền can thiệp.

Ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), bà L cũng rất mê ca hát, tháng trước mua một chiếc loa di động về nhà. Suốt 1 tuần liền, bà con chòm xóm phải “chịu trận” vì giọng ca của các bà cả ngày lẫn đêm. Mọi người nhắc nhở nhiều quá nên bà bớt hát đêm.

ADQuảng cáo

Mới đây, các em học sinh và giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa) cũng phải chịu trận vì một hộ dân trước trường nổi hứng hát hò vào buổi sáng. Giáo viên phải sang nhắc nhở, “ca sĩ” mới tạm ngưng cho các cháu học hành.

Còn bỏ ngỏ

Theo quy định hiện nay, nếu gây ra tiếng ồn vượt mức cho phép thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thẩm quyền xử phạt thuộc về chính quyền địa phương. Thế nhưng, trên thực tế, vấn đề xử phạt không mấy hiệu quả và cũng không cơ quan chức năng nào quan tâm. Trước hết, hầu hết các địa phương chưa được trang bị thiết bị đo tiếng ồn. Mặt khác, việc sử dụng “loa kẹo kéo” xét cho cùng là một sinh hoạt giải trí nên chủ yếu dùng biện pháp nhắc nhở là chính.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Thực tế, một số địa phương cũng đã chú trọng đưa việc sử dụng âm thanh vào quy ước, hương ước trong xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đơn cử, ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) tất cả các thôn khi họp dân đều thường xuyên nhắc nhở việc này, nếu thôn nào có hộ vi phạm việc hát hò quá 22 giờ hoặc âm lượng quá lớn sẽ bị đề nghị xử phạt. Thậm chí, thôn đó cuối năm sẽ bị tụt hạng thi đua...

Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý văn hóa, để xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn từ loa di động là điều không phải dễ dàng. Ngoài những khó khăn nêu trên thì việc tổ chức xử phạt gặp khó khăn về con người, nhất là ở cơ sở. Đến nay, các cơ quan quản lý văn hóa trong tỉnh chỉ mới chú trọng đến các quán karaoke, còn loa di động thì vẫn còn bỏ ngỏ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khổ vì loa di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO