Khu vực hang động núi lửa ở Buôn Choáh đang bị xâm hại nghiêm trọng

Mỹ Hằng| 03/04/2018 09:43

Theo kế hoạch, đến tháng 8/2018, tỉnh Đắk Nông sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình tổ chức UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khu vực hang động núi lửa thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô) đang bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài nguyên di sản địa chất.

ADQuảng cáo

Hang động núi lửa Krông Nô cần được bảo vệ nghiêm ngặt

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, thực hiện Thông báo số 161/TB-VPUBND của Văn phòng UBND tỉnh, vừa qua, Sở cùng các đơn vị liên quan đi kiểm tra thực địa tại khu vực hang động núi lửa xã Buôn Choáh và nhận thấy khu vực này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Qua kiểm tra sơ bộ, trong khu vực hang động núi lửa hiện có 26 giếng khoan của người dân đang sử dụng để lấy nước phục vụ sản xuất và mỗi giếng có chiều sâu từ 40m-60m.

Các giếng nằm rải rác trong khu vực đất xâm canh của người dân với diện tích khoảng 66 ha thuộc các Tiểu khu 1248 và 1260. Năm 2014, sau khi xâm chiếm đất, người dân đã trồng các loại cây ăn quả như bơ, vải, mít… Trong 66 ha đất xâm canh có khoảng 5,68 ha đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH TMDV Khoáng sản Phú Gia Phát quản lý và triển khai dự án trồng rừng. Số còn lại nằm trong diện tích mới thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý, hiện tại quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Ngoài ra, trong khu vực này hiện có 10 trụ điện mới được chôn song song cách đường điện hiện trạng là 20-30m và một số trụ đang nằm dưới đất. Trụ điện có chiều dài từ 5m-7m, đường kính 20cm-25cm, chân trụ được chôn trên nền móng đắp bằng đá bazan bọt trong khu vực. Dây điện 3 pha sử dụng để vận hành máy khoan giếng, nằm trên bãi đá có khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ngoài ra, hoạt động khai thác đá trong khu vực hang động núi lửa cũng đã và đang diễn ra, ảnh hưởng đến tài nguyên của CVĐC.

ADQuảng cáo

Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra hiện trạng khu vực hang động núi lửa Krông Nô

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: “Sau khi kiểm tra thực địa, Đoàn công tác đã đề nghị UBND huyện Krông Nô chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường, UBND xã Buôn Choáh tăng cường công tác kiểm tra, không để phát sinh trường hợp khoan giếng, xâm lấn đất trong khu vực hang động núi lửa cũng như xác minh chủ sở hữu các giếng khoan để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, thời gian qua, để bảo vệ hiện trạng CVĐC núi lửa Krông Nô, huyện cũng đã bố trí nguồn kinh phí về cho các xã. Mỗi xã đều thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ có từ 2-3 thành viên gồm cả công an xã. Riêng xã Buôn Choáh đã thành lập được 7 tổ bảo vệ.

Tuy nhiên, ở cấp độ xã thì cũng chỉ xử phạt hành chính, chứ không có biện pháp ngăn chặn cụ thể, rõ ràng và tình trạng du di cho các đối tượng khai thác đá vẫn còn diễn ra. Trước thực tế đó, huyện cũng đã thành lập một tổ liên ngành đi rà soát, kiểm tra việc chấp hành việc bảo vệ CVĐC của các xã. Riêng các trường hợp mới phát sinh, huyện sẽ tiếp tục thành lập tổ xác minh lại một cách rõ ràng và có giải pháp xử lý triệt để hơn.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Krông Nô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tháng 10/2018, tỉnh sẽ nộp hồ sơ trình lên UNESCO, sau đó các chuyên gia UNESCO sẽ vào thẩm định, kiểm tra khu vực CVĐC một cách độc lập. Do đó, UBND huyện Krông Nô cần chỉ đạo, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu và chung tay bảo vệ di sản địa chất. Đặc biệt, huyện cần xác định ranh giới, vị trí cụ thể và giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, khai thác đá, nguồn nước trái phép... trong khu vực hang động núi lửa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực hang động núi lửa ở Buôn Choáh đang bị xâm hại nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO