Lắm chiêu chiếm đoạt tài sản của người dân

Đặng Hiền| 15/11/2019 10:11

Thành lập công ty, đại lý mua bán, ký gửi nông sản, một số chủ doanh nghiệp đã lợi dụng mối quan hệ trong làm ăn, vay mượn số tiền lớn để chiếm đoạt bằng việc tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân ký gửi cả tấn cà phê nhân cho các đại lý để đổi lấy những tờ giấy biên nhận "dường như vô giá trị" khi cơ sở phá sản

Thị Ngọc Lan (SN 1966), trú tại xã Nâm N'Jang (Đắk Song) là giám đốc một công ty chuyên mua bán nông, lâm sản có trụ sở tại huyện Đắk Song. Năm 2016, công ty của Lan gặp khó khăn về tài chính do công việc làm ăn thua lỗ triền miên, không còn nguồn tiền để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Trước nguy cơ phá sản của công ty, Lan đã chủ động liên hệ với bà Đặng Thị Ngọc Trinh-một đối tác làm ăn ở Bình Dương để ký kết hợp đồng mua bán tiêu.

Bà Trinh đang cần nguồn hàng để kinh doanh, lại được Lan chào bán với giá phải chăng nên nhanh chóng đồng ý và tin tưởng chuyển tiền trước để Lan thu mua tiêu cho mình. Cụ thể, Lan sẽ bán cho bà Trinh 60 tấn tiêu với tổng số tiền giao dịch là 8,4 tỷ đồng. Trong đó, Lan có trách nhiệm giao 30 tấn tiêu trong kỳ hạn 1 tháng với giá 150.000 đồng/kg; 30 tấn tiêu còn lại trong kỳ hạn 3 tháng với giá 130.000 đồng/kg.

Có tiền từ bà Trinh chuyển cho, Lan vẫn tiếp tục các hoạt động mua bán tiêu với những đối tác khác mà không mua tiêu để giao cho bà Trinh như đã hứa. Trước ngày phải giao tiêu cho bà Trinh theo thỏa thuận, Lan đã tuyên bố vỡ nợ để chiếm đoạt số tiền 8,4 tỷ đồng đã nhận.

Tưởng công ty phá sản là hết trách nhiệm, thế nhưng, Lan với danh nghĩa là giám đốc công ty, đã trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán và cầm số tiền 8,4 tỷ đồng để tiêu dùng phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đối với bà Trinh. Hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nhằm chiếm đoạt tiền của Lan đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vũ Xuân Chiến (SN 1980), trú tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là chủ một công ty mua bán phân bón, trao đổi, ký gửi nông sản có uy tín trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa từ nhiều năm nay. Việc mua bán, tất toán công nợ làm ăn giữa công ty của Chiến và người dân vẫn được thực hiện đầy đủ, sòng phẳng.

ADQuảng cáo

Trụ sở công ty do Vũ Xuân Chiến làm giám đốc đã đóng cửa, ngừng hoạt động từ đầu năm 2017 để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng của hàng trăm hộ dân và các đối tác làm ăn

Năm 2017, dù tình hình tài chính của công ty rơi vào tình trạng khó khăn, không thể tiếp tục kinh doanh và không còn tiền, phải trả nợ nhiều người nhưng Vũ Xuân Chiến vẫn tiếp tục mua thêm cà phê của một số hộ dân khác. Khi mua hàng, công ty của Chiến trả trước cho các hộ dân 5 triệu đồng và hứa sẽ trả hết số tiền còn lại sau.

Do thời gian làm ăn với nhau đã lâu và tin tưởng nên nhiều hộ dân đã mua bán, ký gửi cà phê nhân xô cho công ty của Chiến với tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hẹn chưa thấy công ty của Chiến trả tiền, người dân tìm đến để lấy tiền thì công ty đã đóng cửa, ngừng hoạt động. Chiến tuyên bố vỡ nợ và bỏ trốn khỏi địa phương, không thanh toán tiền nợ. Ngoài ra, công ty của Chiến còn nợ nhiều tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp bán phân bón cho công ty.

Cụ thể, từ đầu niên vụ 2016-2017, công ty của Chiến đã mua và nhận ký gửi hơn 230 tấn cà phê nhân của hơn 200 hộ dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cùng hơn 15 tỷ đồng tiền phân bón của một số đại lý khác.

Trước hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chiến, các nạn nhân đã tố cáo Chiến với lực lượng chức năng. Vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Vũ Xuân Chiến 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thực tế cho thấy, những năm qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán ký gửi cà phê, tiêu xảy ra trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều. Việc truy tố, xét xử các đối tượng lừa đảo là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp cũng như người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắm chiêu chiếm đoạt tài sản của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO