Mối lo mang tên... rượu (kỳ 1): “Ma trận” rượu

Vũ Trang| 04/05/2017 09:50

Thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, gây chết người. Vì vậy, một phần của chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 được xác định là “kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại.

ADQuảng cáo

Lâu nay, việc uống rượu, hay nói một cách khác là tình trạng lạm dụng rượu đã trở thành thói quen của nhiều người dân, kể cả ở thành thị lẫn nông thôn. Thế nhưng, cũng như nhiều nơi khác, việc buôn bán, tiêu thụ rượu trên địa bàn tỉnh thực sự như một “ma trận”.

Đủ các loại rượu ngâm góp mặt trên thị trường

Vừa rẻ, vừa dễ mua

Cứ mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Viết Phương ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại cùng bạn bè lai rai vài xị rượu gạo. Ông Phương cho biết: “Rượu gạo vừa rẻ, vừa dễ mua. Dân lao động như chúng tôi uống quen rồi, chỉ thấy chỗ nào ngon hoặc gần thì mua thôi. Mà chỗ nào bán lại không quảng cáo là rượu ngon, chất lượng, uy tín”.

Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, hiện nay, rượu được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các loại rượu gạo, hay còn gọi là rượu đế do người dân tự nấu bằng phương pháp thủ công và thực sự “vừa rẻ, vừa dễ mua”. Tuy nhiên, hầu hết các loại rượu này đều không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng. Đáng ngại hơn, tình trạng buôn bán, tiêu thụ rượu tự nấu, không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ đang tràn lan tại nhiều địa phương.

Tại các cửa hàng tạp hóa, rượu được mua bán như một nhu yếu phẩm. Đa số là rượu trắng, không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất hay công bố tiêu chuẩn chất lượng, được đựng trong các can nhựa hoặc thùng nước uống đóng chai. Khi khách có nhu cầu, người bán sẽ rót vào các chai nhựa, chai thủy tinh hay túi ni lông... Giá bán cũng rất vô chừng, dao động từ 10.000 - 25.000 đồng/lít.

Quan sát tại một cửa hàng tạp hóa ở tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), chúng tôi thấy, rượu được đựng hẳn trong hai thùng phuy to để bán cho khách hàng với hai mức giá là 15.000 đồng/lít và 25.000 đồng/lít. “Rượu nhà tự nấu, khách mua uống nhiều rồi, chẳng ai bị sao cả, yên tâm đi!”, chủ cửa hàng vừa bán rượu vừa giới thiệu.

Rượu được đựng trong hai thùng phuy to để bán cho khách tại cửa hàng tạp hóa ở tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp)

Không chỉ được bán tại các chợ, cửa hàng, tạp hóa... các loại rượu gạo còn được bán phổ biến tại các nhà hàng, quán nhậu, nhất là các quán nhậu bình dân. Khi được hỏi, hầu hết chủ quán đều cho biết đó là rượu tự nấu hoặc rượu mua của người quen, uy tín.

ADQuảng cáo

Tại quán ăn mang tên Quán Nhỏ ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), rượu được đựng trong các can nhựa lớn, mỗi can khoảng 30 lít rượu. Anh Nguyễn Công Đương, chủ quán cho biết: “Mỗi lần, tôi lấy hàng trăm lít rượu từ các cơ sở sản xuất rượu khác nhau, nhưng không thấy nơi nào có dán nhãn mác. Hơn nữa, khách đến quán ăn uống chỉ quan tâm đến rượu nào ngon, vừa khẩu vị, chứ có ai quan tâm đến nguồn gốc hay nhãn mác đâu...”.

Đủ loại rượu ngâm

Đa dạng, phong phú không kém rượu gạo là rượu ngâm đủ loại. Đặc biệt, đối với các quán nhậu, các loại rượu ngâm cũng là yếu tố để thu hút khách. Tại hầu hết các quán nhậu lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy các loại rượu ngâm trong các hũ nhựa, thủy tinh từ những loại đơn giản như chuối hột, táo mèo, đinh lăng, ba kích... cho đến những loại khó tìm hơn như cá ngựa, sừng linh dương, rắn, rết... và đều được chủ quán giới thiệu bằng những lời “có cánh”. Công dụng được thần thánh hóa là thế, nhưng chất lượng các loại rượu này ra sao, công thức chuẩn đến đâu thì không ai dám chắc chắn.

Ông Bùi Văn Thuấn, chủ cửa hàng ăn uống Hữu Lộc ở tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cho biết: “Do kinh doanh dịch vụ ăn uống nên tôi cũng tìm hiểu và ngâm nhiều loại rượu khác nhau để đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”. Rượu dùng để ngâm được chúng tôi mua ở các mối quen, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, chứ cũng không thể chắc chắn rượu có chất lượng, bảo đảm hay không”.

Rượu được đựng trong các can lớn tại quán ăn mang tên Quán Nhỏ ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Hiện nay, không ít người dân quan niệm rượu sản xuất không bảo đảm, rượu pha cồn công nghiệp chứa methanol mới có thể bị ngộ độc, nên rượu ngâm trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, rượu ngâm cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc, chưa kể đến việc một số chủ cơ sở vì lợi nhuận đã sử dụng các loại rượu không bảo đảm chất lượng, rượu pha cồn công nghiệp để ngâm.

Đầu tháng 3/2016, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc 12 sinh viên sau một cuộc liên hoan đã phải nhập viện vì đau đầu, mờ mắt, buồn nôn. Các bệnh nhân được xác định là ngộ độc methanol và loại rượu mà nhóm sinh viên này uống là rượu ngâm ba kích được mua ở một cửa hàng tạp hóa.

Thực tế cho thấy, hiện nay, con đường đi của rượu thủ công từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng khá dễ dàng. Tất cả chỉ được cam kết bằng niềm tin, trong khi nhiều loại rượu “rởm”, rượu pha methanol vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường và rất khó phân biệt với rượu “xịn”. Vì vậy, với thị trường rượu như “ma trận” hiện nay thì chính quyền và các ngành chức năng không thể kiểm soát nổi. Từ đó, việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, dẫn đến xảy ra ngộ độc rượu là điều khó tránh khỏi.

Kỳ 2: “Mù mờ” về chất lượng sản phẩm

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối lo mang tên... rượu (kỳ 1): “Ma trận” rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO