Mối lo mang tên... rượu (kỳ 3): Tăng cường quản lý, kiểm soát

Vũ Trang| 09/05/2017 10:33

Thực trạng sản xuất, kinh doanh rượu còn nhiều vấn đề đáng nói, gây ra nhiều mối lo cho người sử dụng. Thực tế đó đang đòi hỏi sự vào cuộc, mạnh tay của các ngành chức năng và toàn xã hội để góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất, sử dụng rượu tràn lan.

ADQuảng cáo

Còn nhiều bất cập

Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, các hộ nấu rượu nhỏ lẻ phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất và phải được chính quyền cấp huyện trở lên cấp giấy phép sản xuất rượu. Quy định là thế, song thực tế đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị định 94 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.  Nhiều cơ sở chưa tự giác chấp hành thực hiện việc đăng ký xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, không đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, không dán tem, nhãn mác theo quy định…

Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ các hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công không đi đăng ký cấp phép vì họ nấu nhỏ lẻ, số lượng ít. Hơn nữa, bản thân các cơ sở cũng biết họ không đáp ứng yêu cầu về các tiêu chí bảo đảm điều kiện bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi đó, việc thống kê chi tiết số hộ sản xuất, kinh doanh và yêu cầu họ đăng ký giấy phép cũng như thanh, kiểm tra, xử phạt rất khó khăn. Ngoài ra, hàng năm, do lực lượng mỏng, kinh phí hạn chế nên việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng methanol trong rượu chưa được thực hiện thường xuyên.

Về phía các hộ dân, một số cơ sở nấu rượu trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay bộ thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công còn quá phức tạp, nhiều giấy tờ. Cụ thể, hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy tiếp nhận công bố hợp quy; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; liệt kê tên rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu cá nhân dự kiến sản xuất.

Ngoài ra, từ trước đến nay, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nấu rượu thủ công vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc người dân chưa hiểu rõ về các quy định của Nhà nước. Chị Lê Thị Linh, chủ cơ sở nấu rượu Linh Tứ ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cho biết: “Năm 2008, gia đình tôi đã làm giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cơ sở chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra nên giấy phép cũng để một góc. Mới đây, các ngành chức năng đến kiểm tra mới biết giấy phép đã hết hạn từ năm 2014”.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra cơ sở nấu rượu trên địa bàn huyện Đắk R'lấp. Ảnh: Vũ Trang

Giải quyết căn bản bức xúc, nổi cộm

Rõ ràng, việc quản lý, kiểm soát chất lượng rượu, nhất là các loại rượu tự nấu bằng phương thức thủ công trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần nghiên cứu, tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra, các địa phương cũng như ngành chức năng cần kiên quyết xử lý mạnh tay và tận gốc đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép, không công bố chất lượng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phải được đẩy mạnh hơn nữa để người quản lý cũng như người sản xuất, kinh doanh nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong vấn đề bảo đảm chất lượng rượu, phòng tránh ngộ độc rượu.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thì chưa khi nào tình trạng ngộ độc rượu lại “nóng” như hiện nay, khi mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu, gây chết người hết sức đau lòng. Vì vậy, một trong những mục tiêu của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 là: Giải quyết căn bản bức xúc, nổi cộm hiện nay là sử dụng tạp chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu; nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Có thể nói, “kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” như chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 đã nêu không những là thông điệp truyền thông, mà còn là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối lo mang tên... rượu (kỳ 3): Tăng cường quản lý, kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO