Nêu cao cảnh giác, tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người

Tường Mạnh| 14/07/2017 08:42

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 344 về triển khai thực hiện Quyết định số 793 của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống tội phạm mua bán người - 30/7” năm 2017.

ADQuảng cáo

Theo đó, các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, sâu rộng nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Sở dĩ UBND tỉnh nhấn mạnh đến cụm từ “quyết liệt, sâu rộng” cũng xuất phát từ việc tình trạng mua bán người, nhất là phụ nữ trên địa bàn tỉnh lâu nay diễn ra khá phức tạp. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bóc gỡ, triệt phá một số đường dây mua bán người đưa ra nước ngoài, mà chủ yếu là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân để lừa bán cho các đối tượng đang có “nhu cầu”.

Điển hình, vào trung tuần tháng 5/2017, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá, bắt giữ 3 đối tượng trong một đường dây đưa phụ nữ trên địa bàn tỉnh sang Trung Quốc bán cho đàn ông nước này làm vợ. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã thực hiện trót lọt 5 vụ việc, đưa 8 phụ nữ sang Trung Quốc.

Theo cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người là thường dụ dỗ những phụ nữ không có công ăn việc làm, ly hôn chồng, làm ở các quán karaoke, dịch vụ massage, hay phụ nữ dân tộc thiểu số, rồi đưa sang Trung Quốc bán. Vấn nạn mua bán người diễn ra khá phức tạp, nhưng việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn, do mọi hoạt động mua bán phần lớn đều diễn ra ở bên kia biên giới và nạn nhân và người nhà của nạn nhân vì các lý do khác nhau nên không khai báo, hợp tác với cơ quan công an.

ADQuảng cáo

Qua thực tế cho thấy, các đối tượng thường sử dụng mối quan hệ bạn bè, gia đình, người quen để nhờ giới thiệu, làm quen các cô gái có độ tuổi trung bình từ 17-30 tuổi rồi giả vờ yêu đương, cưới hỏi, tổ chức bán qua Trung Quốc. Cũng có những đối tượng còn dùng các thủ đoạn khác như thông qua các công ty môi giới hôn nhân, thông báo trên mạng internet tuyển dụng xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở nước ngoài để có thu nhập cao nhằm thu hút những người có hoàn cảnh khó khăn tự tìm đến rồi thực hiện hành vi lừa bán.

Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn sau khi dụ dỗ được nạn nhân sang Trung Quốc thì cho ăn mặc sung sướng, rồi dùng chính họ gọi điện thoại về cho người thân quen để tiếp tục dụ dỗ, đưa tiếp nạn nhân khác sang và thực hiện hành vi buôn bán người.

Trước thực tế đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội cần tích cực vào cuộc, chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người tại cộng đồng, nội dung cần ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, địa bàn và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tần suất thông tin, giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người ở khu vực nội địa và biên giới. Các ngành tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng xã hội. Ngành tòa án lựa chọn, tổ chức xét xử lưu động một số vụ án mua bán người nhằm răn đe tội phạm và tuyên truyền phòng, chống tình trạng mua bán người trong nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao cảnh giác, tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO