Nhiều rủi ro hình thức chơi hụi

Hoàng Thanh| 11/03/2019 10:48

Hiện nay, nhiều người dân vẫn thường hay góp tiền chơi họ, hụi. Đây là một trong những hình thức tín dụng nhằm huy động vốn để làm ăn, mua sắm vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên, do mang tính tự phát, nên việc chơi hụi còn nhiều khoảng trống pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

ADQuảng cáo

Tháng 8/2018 người dân ở xã Trường Xuân (Đắk Song) phản ánh về tình trạng chủ hụi rời khỏi địa phương không liên lạc được. Ảnh tư liệu

Muôn kiểu giật hụi

Trên thực tế đã xảy ra vô số các vụ giật hụi, có những vụ mà tổng trị giá  lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, gây chấn động dư luận, làm điêu đứng rất nhiều gia đình vì bị giật hay vỡ hụi. Có nhiều kiểu giật hụi, song phổ biến nhất là chủ hụi giựt của người chơi và người chơi không góp tiền cho chủ hụi.

Chị N.T.D ở thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) là chủ nhiều “dây hụi” tại địa bàn. Trước Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều người chơi không góp hụi khiến chị D đã sốc phải nhập viện. Do là chủ hụi nên chị D đã phải bán đất đai với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng để đưa cho người chơi. Thậm chí, có một số người chơi nhận tiền hụi trước song những tháng sau chây ì không góp hoặc góp nhỏ giọt, khiến chị D phải đi đòi góp từng đồng.

Ngược lại, chị T.T.M ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đã tan nát cửa nhà vì chơi hụi với số tiền lớn nhưng bị chủ hụi giật. Chị M cho biết: “Năm ngoái, tôi và một số người tham gia vào một “dây hụi” do một chủ tiệm kinh doanh có tiếng tại chợ Gia Nghĩa làm chủ. Thời gian đầu, chủ hụi trả rất sòng phẳng, đúng hẹn nhưng đến khi hay tin chủ hụi bỏ trốn, nhà thì đã cầm cố ngân hàng, tôi mới thực sự biết mình đã bị lừa”.

ADQuảng cáo

Chị L.T.T ở xã Nam Đà (Krông Nô) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì số tiền mình và nhiều người trong nhà bị giật hụi. Chị T thổ lộ: "Tôi chưa có nhà ở nên phải đi thuê. Mặc dù buôn bán nhỏ thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng mỗi ngày tôi cũng tiết kiệm, dành dụm vài trăm nghìn để góp hụi. Các con tôi đi làm thuê cũng dành dụm chơi thêm 2 chân hụi cùng mẹ. Những tưởng sau một thời gian chơi, góp được một số tiền để mua miếng đất, thế nhưng đến lượt nhận tiền thì bị chủ hụi giật, đã khổ càng khổ thêm”.

Các chế tài pháp luật còn lỏng lẻo

Những người dân như nói trên khi chơi hụi sẵn sàng trao tiền mà không biết nguy cơ, rủi ro khi tham gia vào hoạt động chơi hụi đầy rủi ro này. Hoạt động tín dụng này về cơ bản chỉ dựa trên nền tảng gói gọn trong một chữ "tín" mà không có sự bảo hộ, bảo vệ và kiểm soát đủ mạnh của các chế tài pháp luật nên rủi ro cao.

Biết là rủi ro song hụi vẫn là một “kênh” dẫn vốn hấp dẫn với rất nhiều người, nhất là những người thu nhập thấp-đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi “tín dụng đen” hay hụi luôn rộng cửa chào đón họ với "thủ tục" tối giản. Chơi hụi vì thế luôn tồn tại trong cuộc sống bất chấp ý chí muốn cấm cản của nhà quản lý.

Từ lâu, việc chơi hụi, họ nhằm tương trợ lẫn nhau trong người dân đã được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành hẳn một điều để quy định về hoạt động này. Trước đó, Chính phủ cũng đã có nghị định nhằm điều tiết, quản lý, trong đó có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Tuy nhiên, văn bản pháp lý này vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người chơi trong trường hợp xảy ra giật hụi, vỡ hụi.

Nghị định vừa được Chính phủ ban hành tháng 2/2019 có những quy định cụ thể hơn từ nguyên tắc tổ chức hụi cho tới các điều kiện chơi hay văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên... Trong đó, đáng chú ý nhất là các văn bản nêu rõ sự ràng buộc pháp lý và sự tham gia giám sát của chính quyền. Thế nhưng, do là hoạt động tín dụng tự phát, tự nguyện và tự thỏa thuận của người dân nên chơi hụi vẫn chỉ dựa trên cơ sở tín chấp đầy rủi ro.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều rủi ro hình thức chơi hụi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO