Ổn định dân di cư tự do để giữ rừng (kỳ 2): Ổn định dân di cư tự do mới giữ rừng hiệu quả

Đức Hùng| 27/08/2020 10:00

Việc ổn định dân di cư tự do (DCTD) sẽ từng bước hạn chế tình trạng xâm hại rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Để làm được điều này, tỉnh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là ổn định đời sống, sản xuất cho dân DCTD.

ADQuảng cáo

Vỡ quy hoạch phát triển rừng

Tỉnh Đắk Nông đang có 246.984 ha rừng và 81.308 ha đất lâm nghiệp. Toàn tỉnh cũng đang có khoảng 67.400 ha đất có nguồn gốc từ phá rừng đang bị chiếm dụng. Đối tượng lấn chiếm đất rừng chủ yếu là dân di cư tự do (DCTD).

Trên địa bàn tỉnh đang có 38.191 hộ, với 173.973 nhân khẩu là dân DCTD từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống. Đến nay, tỉnh đã cơ bản ổn định được nơi ở, sản xuất cho dân DCTD. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7.931 hộ dân DCTD chưa ổn định, trong đó như đã nói, có 5.743 hộ, với 16.792 khẩu đang sống trên đất lâm nghiệp. Dân DCTD vào Đắk Nông chủ yếu là các hộ nghèo, sinh sống phân tán, rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng.

Người Mông di cư từ phía Bắc sống theo từng nhóm hộ gia đình tại rừng phòng hộ Đắk R'măng

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã triển khai 12 dự án ổn định dân DCTD, với tổng vốn đầu tư hơn 849 tỷ đồng. Các dự án này đã từng bước ổn định dân DCTD. Thế nhưng, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, số dân DCTD chưa bố trí được nơi ở, nơi sản xuất còn rất nhiều. Đây là những hộ tồn tại trong nhiều năm mà địa phương chưa giải quyết được. Tỉnh Đắk Nông đã có nhiều dự án ổn định dân DCTD, nhưng đời sống của các hộ dân này vẫn còn rất khó khăn. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về dân cư, quản lý đất đai, nhưng thực tế vẫn chưa thể quản lý được dân DCTD. "Chưa quản lý được dân di cư tự do thì khó lòng mà bảo vệ, phát triển rừng một cách hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng nhấn mạnh.

Đời sống người dân vùng di cư tự do còn nhiều khó khăn.

Do tác động của dân DCTD, nên công tác quy hoạch phát triển rừng của Đắk Nông liên tục phải thay đổi. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, tỉnh phải mất 4 lần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ba loại rừng. Tỉnh đã phải đưa 87.050 ha đất lâm nghiệp bị dân DCTD lấn chiếm ra ngoài quy hoạch ba loại rừng, vì rất khó thu hồi để phát triển rừng theo kế hoạch.

Đắk Nông đặt mục tiêu bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững đối với 246.984 ha rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có; chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt 4.215 ha rừng trồng chưa thành rừng. Tỉnh cũng ra chỉ tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40% vào năm 2025.

ADQuảng cáo

Trước giữ chân dân di cư, sau giữ rừng

Dân DCTD đã sinh sống lâu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhưng phần lớn họ vẫn là những “công dân bất hợp pháp”. Họ sống biệt lập trong rừng, thuộc diện nghèo, khó khăn tại địa phương. Người dân DCTD từ lâu đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và nhất là công tác bảo vệ tài nguyên rừng ở nhiều địa bàn của tỉnh Đắk Nông.

Theo Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Tiến, tình trạng DCTD không chỉ phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng, mà còn làm xáo trộn, phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là phải "giữ chân" họ, để họ ổn định tại địa phương. “Phải xem dân DCTD là người địa phương để có hướng xử lý phù hợp. Nếu bảo đảm được đời sống, không để cho họ phải vào rừng nữa thì rừng mới không còn bị phá", ông Nguyễn Văn Tiến phân tích.

Anh Sùng A Sính cho biết, xã Đắk R'măng dù phá nhiều ha rừng để trồng cà phê, nhưng thu nhập hàng năm không đáng bao nhiêu

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Tiến, đối với một số cụm dân cư đã được tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng thì cần phát triển thành điểm tái định cư và đầu tư hạ tầng cơ sở để sắp xếp, bố trí cho dân DCTD. Tỉnh cần thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế, phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống cho dân DCTD. Khi dân DCTD được hưởng các chủ trương, chính sách, dự án hỗ trợ thì sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và từ đó giảm sức ép phá rừng. Vụ trưởng Tiến gợi ý: "Tập quán của bà con dân tộc thiểu số di cư tự do là quen sống nơi rừng núi. Do đó, Đắk Nông nên phát triển lâm nghiệp gắn với làm giàu từ rừng cho bà con là giải pháp phù hợp".

Học sinh vùng DCTD thường phải đi bộ cả giờ để đến trường mỗi ngày

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, để "giữ chân" và ổn định dân DCTD tại địa phương, ngoài việc bố trí nơi ở, nơi sản xuất thì cần đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch, vệ sinh nông thôn… tại các dự án ổn định dân DCTD. Theo tính toán ban đầu, tỉnh cần đến hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện các vấn đề này.

Dân DCTD tham gia trồng rừng trên đồi dốc

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế cho dân DCTD. Tỉnh cũng cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện xong các dự án ổn định dân DCTD để người dân di cư giai đoạn trước có nơi ở, đất đai canh tác ổn định và được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 giải quyết dứt điểm tình trạng DCTD.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định dân di cư tự do để giữ rừng (kỳ 2): Ổn định dân di cư tự do mới giữ rừng hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO