Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tập trung thực hiện tốt ngay từ đầu

Hồng Thoan| 03/06/2019 10:46

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có xu hướng lan rộng. Cùng với việc tăng về địa bàn thì sự tấn công của vi rút dịch cũng đã có sự thay đổi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, người dân.

ADQuảng cáo

Nhanh chóng phát hiện, dập dịch

Vào giữa tháng 5, bệnh dịch này được phát hiện tại Gia Nghĩa nhưng đến ngày 22/5 đã phát hiện cả ở Krông Nô. Cụ thể là đàn lợn nhà của các hộ dân tại xã Đắk D’rô và thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô). Trước đây, cơ quan chuyên môn xác định vi rút bệnh DTLCP từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh nhưng đến nay đã phát hiện trên đàn lợn nuôi của người dân địa phương. Trước thực tế này, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp tổng hợp để ứng phó với dịch.

Thú y phường Nghĩa Đức phun thuốc phòng bệnh tại điểm chợ Bikon, Gia Nghĩa

Tại huyện Krông Nô, nhờ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên khi có lợn ốm, ghi vấn bị bệnh là người dân nhanh chóng báo cho chính quyền, thú y viên. Ngay khi nắm tình hình, cơ quan chuyên môn địa phương, Đội ứng phó dịch số 1 của Sở Nông nghiệp - PTNT có sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng để nắm rõ tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, lấy mẫu đi phân tích. Cùng với đó, địa phương làm tốt hoạt động tiêu độc, khử trùng khu vực xuất hiện dịch, khoanh vùng, khống chế dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định.

Ông  Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cho biết: “Huyện đã thành lập đội ứng phó nhanh với DTLCP gồm 5 người. Các xã cũng đã có đội phản ứng nhanh từ 5-7 người/đội. Địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó, dập dịch với hàng trăm lít hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh nhanh chóng”.

Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, các hoạt động phòng, chống bệnh DTLCP được triển khai quyết liệt. Trong đó, địa phương chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, kiểm soát tốt việc mua, bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn, phân bón vào địa phương.

ADQuảng cáo

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Không chỉ cấp huyện, ở cấp xã cũng đã sẵn sàng các phương án để khi có dịch xảy ra sẽ tiêu hủy lợn chết ở vị trí nào, dự trữ lượng vôi bột đầy đủ ở các đại lý, cửa hàng để kịp thời đưa ra sử dụng. Những tháng gần đây, địa phương kiên quyết không cho các phương tiện vận chuyển phân chuồng như phân bò, phân heo vào địa bàn nhằm tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh, một số trường hợp vi phạm cũng đã bị xử phạt. Trạm Kiểm dịch động vật Cai Chanh cũng được huyện làm việc với đơn vị khai thác trạm thu phí dời về ngay trạm thu phí để tiện kết hợp với lực lượng công an kiểm soát, kiểm tra các xe qua lại, nhất là xe chở động vật.

Tại huyện Cư Jút, theo UBND huyện, địa phương xác định nguy cơ xuất hiện bệnh rất cao vì có tuyến quốc lộ 14 đi qua. Từ đó đã tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật trên các tuyến đường, trong đó đặc biệt lưu ý các đường tiểu ngạch như từ huyện Buôn Đôn qua. Địa phương đã có kịch bản ứng phó với dịch gắn với kiện toàn lực lượng thú y xã. Địa phương cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, kiểm soát không để lọt lợn, sản phẩm lợn không an toàn ra thị trường, nếu cơ sở nào không bảo đảm thì kiên quyết đình chỉ.

Cán bộ thú y xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) phun tiêu độc khử trùng dọc đường tránh Gia Nghĩa

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Theo Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP tỉnh, các cấp, ngành đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ lợn. Đối với các huyện giáp ranh với các tỉnh, nước bạn Campuchia, các đơn vị, cơ quan chuyên môn chủ động triển khai thêm các chốt, trạm nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình, nghiêm túc xử lý các đối tượng vi phạm.

Việc tăng cường công tác kiểm dịch các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh được duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại các chốt, điểm kiểm dịch động vật tại Cầu 14 (Cư Jút), Cai Chanh (Đắk R’lấp) và hai chốt kiểm dịch động vật tại cửa khẩu Đắk Puer (Đắk Mil) và Bu Prăng (Tuy Đức). Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với các địa phương thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời tại các trục đường giao thông ra, vào địa bàn trên địa bàn các huyện Krông Nô và Đắk Glong, nhất là tại các điểm tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Trưởng, phụ trách Chi cục Phát triển nông nghiệp ( Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết, đến nay các địa phương đã hoàn thành việc thống kê chính xác lượng lợn của Nhân dân, cụ thể đến từng hộ, khu vực nào. Đây là cơ sở để ngành chức năng, các địa phương đưa ra các giải pháp ứng phó với dịch sát, đúng thực tế. Đắk Nông hiện có đàn lợn 199.602 con. Tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí sẵn sàng từ nguồn dự phòng ngân sách để thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dịch, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh này. Vì vậy, khi có lợn bị bệnh, ốm, chết bất thường bà con cần nhanh chóng báo cho cơ quan thú y, chính quyền cơ sở biết, không giấu dịch, không nên tiêu thụ lợn, sản phẩm từ thịt lợn bị bệnh. Các huyện, xã đã thành lập các tổ, đội ứng phó nhanh, xử lý tại chỗ khi có dịch, không chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên. Trong đó, phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện, vật tư hậu cần tại chỗ cần được tập trung hơn nữa. Làm được điều này, tỉnh sẽ hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh, giảm thiểu thiệt hại đối với người chăn nuôi khi có phát sinh bệnh dịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tập trung thực hiện tốt ngay từ đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO