Phòng, chống thiên tai: Vẫn chưa chú trọng phương châm “4 tại chỗ”

Hồng Thoan| 18/07/2018 10:05

Phương châm "4 tại chỗ" rất quan trọng trong phòng chống thiên tai, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, vấn đề này vẫn chưa được các cấp, ngành, nhân dân nhận thức đầy đủ.

ADQuảng cáo

Việc người dân chủ dộng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm sẽ giảm thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ảnh: Diễn tập tại Krông Nô năm 2016.

"4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) được xem là biện pháp phòng, chống thiên tai căn bản và hiệu quả nhất. Với phương châm "4 tại chỗ", từng cấp, ngành, địa phương, khu dân cư và cả mỗi gia đình cần phải chuẩn bị các phương án, dự tính khả năng về thiên tai có thể xảy ra để chủ động trước những gì cần thiết cho cả quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, phương châm này vẫn chưa được các cấp, ngành, địa phương và cả người dân ứng dụng, hoặc nếu có thì thiếu đồng bộ, nhất quán, dẫn đến hiệu quả phòng, chống thiên tai chưa cao.

Huyện Krông Nô, địa phương hằng năm thường chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai so với các địa phương khác trong tỉnh. Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT thì mặc dù hằng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn lực lượng, xây dựng phương án phòng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN).

Riêng các xã dọc sông, hay bị ngập lụt còn thành lập các tổ cứu hộ, cứu nạn đến thôn, bon, buôn. Nhưng đánh giá chính xác thì phương án PCTT & TKCN của các xã còn mang tính chung chung, chưa có kịch bản sát với thực tế nên khi xảy ra thiên tai còn lúng  túng, bị động trong ứng phó. Thêm vào đó, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống thiên tai.

Thậm chí không ít trường hợp, khi được thông báo tình hình nguy hiểm, yêu cầu di dời vẫn không chấp hành làm cho công tác điều hành, chỉ đạo của ban chỉ huy, chính quyền cơ sở gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến việc huyện gặp khó trong triển khai nội dung về "phương tiện, vật tư tại chỗ” vì thiếu kinh phí để sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị có kinh phí lớn như ca nô, thuyền máy...

ADQuảng cáo

Tuyên truyền, vân động nhân dân là một trong những nội dung của hoạt động chỉ huy tại chỗ. Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, việc tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về thiên tai, cách thức phòng, chống cho nhân dân tại các địa phương chưa được triển khai sâu rộng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, việc vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các vật dụng gia đình cần thiết hầu như còn bỏ ngỏ.

Chỉ đơn cử năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ sụt lún đất tại Đắk R'lấp gây nứt xé tường, gãy cột nhà, lún nền nhà, ảnh hưởng trực tiếp tới 7 hộ dân,  trong đó có 2 hộ có nguy cơ bị sập nhà ở. Hay như tại huyện Tuy Đức, nguy cơ xảy ra lũ cuốn trôi dọc các sông, suối rất cao gây thiệt hại về người và của là do tâm lý chủ quan của người dân trong sản xuất, sinh hoạt. Nhưng vài năm gần đây, khi tình hình có vẻ lắng xuống thì hầu như cả cơ quan chức năng, chính quyền và người dân địa phương chủ quan, lơ là về các nguy cơ tiềm ẩn này.

Điểm sụt lún tại thị trấn Kiến Đức (Đắk Rl'ấp) xảy ra năm 2014

Theo đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, thực tế cho thấy, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong thời gian qua thường rơi vào những địa phương thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa tốt, thiếu triệt để, với những phương án chung chung, xa thực tế, không thích hợp điều kiện, hoàn cảnh. Do thiếu linh hoạt và không có phương án dự phòng trước cho nên một số địa phương khi thiên tai xảy ra, chính quyền không huy động ngay được vật tư, phương tiện mà phải nhờ sự hỗ trợ từ cấp trên. Vì thế, toàn tỉnh phải quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng chủ đạo của phương châm "4 tại chỗ" là dựa vào khả năng sẵn có của địa phương mình là chính. Chỉ khi các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đều hiểu và thực hiện tốt phương châm này thì sẽ chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai được tốt hơn.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết nguy hiểm xuất hiện hầu như khắp tỉnh, nhất là các huyện: Đắk Glong, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa. Thống kê đã có 3 người chết do sét đánh, lốc tố đổ tường đè chết; 106 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái và nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 4 tỷ đồng. Còn trong năm 2017, toàn tỉnh cũng đã bị thiên tai gây thiệt hại 294,6 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống thiên tai: Vẫn chưa chú trọng phương châm “4 tại chỗ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO