Quần thể du sam trên đỉnh Nâm Nung bị triệt hạ: Dư luận mong mỏi làm rõ và xử lý nghiêm minh

Ngàn Sâu| 17/10/2016 10:53

Sau khi Báo Đắk Nông phản ánh về quần thể du sam trên đỉnh núi Nam Nung bị tàn phá, dư luận đã rất quan tâm. Cùng với lên án những kẻ phá rừng, nhiều người bày tỏ bức xúc và đề nghị làm rõ trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Cây du sam có đường kính hơn 1,6m vừa bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ

Tiếc nuối và nghi ngờ

Sau khi Báo Đắk Nông phản ánh tình trạng chặt phá cây du sam tại tiểu khu 1133, thuộc lâm phần của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, nhiều người dân vừa tỏ ra bức xúc, vừa cảm thấy tiếc nuối khi không thể bảo vệ được loài cây quý hiếm.

Ông Trần Viết Khương, trú tại xã Đắk Môl (Đắk Song), phản ánh: “Quá xót xa. Rừng như vậy, cây du sam quý hiếm như vậy mà bị chặt phá thì tiếc vô cùng. Rồi đây, thế hệ con cháu chúng ta liệu có được nhìn thấy những cây gỗ quý hiếm to như vậy nữa hay không. Ở đây, tôi muốn nói rằng, những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm. Không biết họ (lực lượng bảo vệ rừng-P.V) có gì tiêu cực hay không, nhưng rõ ràng việc để cho rừng bị phá, những cây gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ như vậy là điều rất khó chấp nhận được”.

Ông Phạm Văn Bình, trú tại thị xã Gia Nghĩa, cho biết: “Tôi từng công tác trong ngành lâm nghiệp, nay đã nghỉ hưu. Thú thực, trước đây tôi cũng không hề hay biết về giá trị của cây du sam. Vậy mà các đối tượng khai thác gỗ lậu lại biết rất rõ về loại cây đó. Hơn nữa, theo như phản ánh của Báo Đắk Nông thì cây du sam ở một khu vực rất xa xôi, đường vào rất khó khăn, hiểm trở. Để vào khai thác và đưa được gỗ ra khỏi rừng đâu phải là chuyện dễ. Phải chăng lâm tặc đã được chỉ điểm, “bật đèn xanh” để khai thác gỗ du sam?”

Thông qua điện thoại, anh Nguyễn Tiến Dư, trú tại thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), cho biết: “Người ta chở gỗ du sam về thì phải đi qua rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, rừng Đức Hòa (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa-P.V), qua các xã Long Sơn, Đắk Môl, rồi mới tới Đắk Sắk. Chỗ nào cũng có kiểm lâm, chỗ nào cũng có cán bộ bảo vệ rừng. Tôi nói thật với anh, nếu không có tiêu cực thì một que củi cũng không lọt được chứ đừng nói là hàng trăm khối du sam như vậy. Báo chí nói là nghi ngờ, “tiếp tay” này nọ, nhưng với tôi thì người ta đã “ăn tiền” của lâm tặc rồi”.

Anh Nguyễn Văn Hợp, trú tại xã Đắk N’Drung (Đắk Song), lại bày tỏ quan điểm: “Cứ cho là ở trong rừng thì không ai biết, nhưng khi đưa gỗ về các khu dân cư thì có trăm nghìn tai mắt. Như vậy, nếu không có sự bao che, “tiếp tay” của lực lượng chức năng thì làm sao người ta đưa gỗ về được, số lượng gỗ đâu phải ít. Tôi đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ và xử lý thích đáng những kẻ trực tiếp phá rừng cũng như những người đã “tiếp tay” cho hành vi phá rừng. Chỉ có như vậy, may chăng mới bảo vệ được rừng, bảo vệ được loài cây du sam một cách tốt hơn”.

Gỗ du sam vẫn đang được tập kết trong rừng

ADQuảng cáo

Sự "xao động" và trách nhiệm của cơ quan quản lý

Về phía cơ quan chức năng, ông Lê Công Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ quan điểm tiếc nuối về vụ việc cây du sam bị tàn phá. Mặt khác, ông Trường nhìn nhận rằng, trong giai đoạn vừa qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại các công ty lâm nghiệp đã có sự chệch choạc, xao động về mặt tư tưởng, làm ảnh hưởng xấu tới công tác bảo vệ rừng.

Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm, nhất là đội ngũ kiểm lâm địa bàn, cũng có những sự lơ là nhất định. Chính vì vậy, cho dù các đơn vị chủ rừng đã có sự bố trí lực lượng một cách tươm tất, thành lập  nhiều chốt kiểm soát lâm sản, nhưng đó cũng chỉ là hình thức bên ngoài, vì thực tế thì “gỗ lậu” vẫn “vô tư” ra khỏi rừng.

Ông Trường bộc bạch: “Phải nói thẳng ra là một số anh em đã có sự “nghiêng ngả”.  Cho nên, 4 chốt hay 5 chốt (chốt kiểm soát lâm sản - P.V), nhưng mà con người không tận tâm tận lực thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả…”.

Về quan điểm xử lý, theo ông Trường, đây là một vụ việc phá rừng có quy mô lớn, có sự liên đới trách nhiệm tới một số tổ chức và cá nhân, nên cần phải có sự vào cuộc một cách nghiêm túc. “Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và lực lượng kiểm lâm cơ động tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc, đồng thời cũng đề nghị lực lượng chức năng vào cuộc để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”, ông Trường cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị kiểm lâm, lâm nghiệp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Sở sẽ đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong vụ việc này, ông Yên khẳng định: “Tôi đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo, giải trình về vụ việc và sau đó sẽ đưa ra hướng xử lý một cách cụ thể hơn.”

Nguy cơ tuyệt chủng

Du sam còn có những tên gọi khác như: ngô tùng, thông dầu, tô hạp và mạy kinh. Đây là loại cây được xếp vào nhóm IA, thân gỗ lớn, cao từ 40-50m, thường mọc trên núi đá vôi với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.

Tại Việt Nam, chỉ có một vài khu vực có cây du sam như Hạ Lang (Cao Bằng), Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), nhưng chỉ với số lượng cá thể rất hạn chế và phân tán.

Hiện nay, du sam đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT xếp vào nhóm cây đang ở trong tình trạng đe dọa tuyệt chủng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quần thể du sam trên đỉnh Nâm Nung bị triệt hạ: Dư luận mong mỏi làm rõ và xử lý nghiêm minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO