Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Tường Mạnh| 10/10/2017 09:22

Vào cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Sùng Seo Xá (SN 1992), thường trú tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (Lào Cai), về tội “Mua bán người”.

ADQuảng cáo

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, do cần tiền tiêu xài, nên Xá đã đến xã Đắk R’măng (Đắk Glong) lừa em G.T.D (SN 2001) ở thôn 6 với “chiêu thức” xin cưới làm vợ để bán sang Trung Quốc. Rất may, khi bị đưa đến Lào Cai, D đã phát hiện được sự việc và trốn thoát. Sau đó, D được người dân chỉ đường và đến trình báo với các cơ quan chức năng.

Có thể nói, trên đây chỉ là một trong số những vụ mua bán người được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời. Bởi vì trong thực tế, tình hình tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ cho các đối tượng nước ngoài trong những năm gần đây luôn diễn biến khá phức tạp và khó lường. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông, M’nông, Êđê… có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với việc phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây buôn bán người hiện nay là do địa bàn tỉnh rộng, lại cách trở; trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; công tác quản lý nhân hộ khẩu tại cơ sở còn lỏng lẻo... Có trường hợp phụ nữ đã đi khỏi địa phương thời gian dài nhưng gia đình và chính quyền địa phương không báo cáo cơ quan chức năng. Mặt khác, có những nạn nhân khi bị bán ra nước ngoài hoạt động mại dâm, nên thường mặc cảm, dẫn đến che giấu, thiếu hợp tác, không dám nói lên sự thật và tố cáo tội phạm.

Thực tế đó cho thấy, vấn đề truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người là hết sức cần thiết. Vì vậy mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 533 ngày 4/10/2017 về tăng cường truyền thông phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Kế hoạch nhấn mạnh đến việc phải tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các tầng lớp nhân dân về phòng, chống mua bán người, để mọi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, chủ động tích cực phòng ngừa, góp phần giảm nguy cơ mua bán người.

ADQuảng cáo

Công tác tuyên truyền phải thật sự sâu rộng, bảo đảm thường xuyên liên tục, hướng về cơ sở để quần chúng nhân dân nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn, tác hại của việc mua bán người, từ đó tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh ở cộng đồng dân cư.

Qua việc triệt phá các đường dây mua bán người của cơ quan chức năng trong thời gian qua cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới, nhưng đã đánh đúng vào tâm lý của một số cô gái nhẹ dạ cả tin. Thủ đoạn phổ biến nhất là các đối tượng dùng điện thoại, dịch vụ trên internet, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của nạn nhân để làm quen với các cô gái trẻ. Thậm chí, cả những người đã có gia đình cũng bị tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê lên các tỉnh biên giới để ra mắt gia đình, cưới hỏi, hoặc đi du lịch, từ đó dễ dàng bán ra nước ngoài…

Kế hoạch đã ban hành, vấn đề đặt ra ở đây là, việc triển khai thực hiện trong thực tiễn như thế nào để đạt kết quả, hiệu quả cao. Theo đó, cùng với quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, các ngành chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Thời lượng, tần suất việc tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cần được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán cao.

Cùng với việc nâng cao chất lượng các mô hình truyền thông chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người, các chính sách, pháp luật mới ban hành, có hiệu lực liên quan đến phòng, chống mua bán người phải được cập nhật, tuyên truyền kịp thời. Đặc biệt, tội phạm mua bán người phải được xử lý nghiêm nhằm hạn chế các nguy cơ phát sinh cũng như kịp thời xác minh, xác định, tiếp nhận và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, tạo điều kiện để nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO