Tội phạm buôn bán người vẫn rình rập ở các vùng quê

Đức Hùng| 04/11/2020 09:35

Đối tượng mua bán người thường tiếp cận các phụ nữ, trẻ em gái ở những vùng khó khăn để chiếm đoạt lòng tin rồi lừa bán qua Trung Quốc. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, bọn buôn người sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

ADQuảng cáo

Nhiều thủ đoạn lợi dụng, dụ dỗ

Đắk Nông là một tỉnh miền núi, với khoảng 141 km đường biên giới đi qua 4 huyện, có 2 cửa khẩu và nhiều đường tiểu ngạch. Tỉnh có nhiều dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến sinh sống. Ở các vùng dân di cư tự do sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân nhìn chung còn hạn chế. Đó là những điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Các đối tượng mua bán người nhắm tới phụ nữ, trẻ em gái vùng sâu, vùng xa. Ảnh minh họa

Các đối tượng mua bán người ngày càng có thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... kết bạn, làm quen với nạn nhân. Các đối tượng thường hướng tới những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp. Mục tiêu của chúng là những cô gái trẻ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lừa gạt, tán tỉnh, giả vờ yêu đương và hứa hẹn làm đám cưới.

Khi đã chiếm được lòng tin của nạn nhân, đối tượng dụ dỗ nạn nhân rằng đưa về quê ra mắt họ hàng tại các tỉnh phía Bắc. Với lý do đó, các đối tượng đã đưa nạn nhân ra các tỉnh phía Bắc và bán vào động mại dâm ở Trung Quốc.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện thủ đoạn mua bán người khá mới. Đối tượng xấu tìm những cô gái mới lớn, không có việc làm và thu nhập không ổn định hoặc phụ nữ đã ly hôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để dụ dỗ đi lấy chồng người Trung Quốc.

ADQuảng cáo

Các đối tượng vẽ ra một "bức tranh" đầy hứa hẹn về cuộc sống sung túc sau khi kết hôn với người Trung Quốc. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng sẽ đứng ra làm các loại giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân của nạn nhân và các thủ tục cần thiết khác, rồi bán nạn nhân cho đàn ông Trung Quốc để làm vợ...

Tăng cường bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Từ năm 2016 đến tháng 9/2020, Công an tỉnh đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép và người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Các lực lượng công an tỉnh đã tiếp nhận 6 tin đơn thư, tin báo tố giác tội phạm mua bán người. Kết quả xác minh, công an đã khởi tố 6 vụ, với 21 đối tượng, đã điều tra làm rõ và đề nghị truy tố, xét xử 6 vụ, 21 bị can.

Các lực lượng Công an tỉnh đã chủ động triển khai công tác nắm tình hình địa bàn, lập danh sách những đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người để theo dõi, quản lý.

Các lực lượng chức năng thường xuyên lên danh sách những phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày không rõ lý do để sàng lọc, dự đoán những trường hợp có khả năng là nạn nhân trong các vụ buôn bán người để chủ động trong công tác phối hợp giải cứu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn 52 phụ nữ vắng mặt dài ngày tại địa phương chưa rõ lý do.

Theo Công an tỉnh, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mua bán người, giải pháp hiệu quả nhất là nâng cao nhận thức, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo quần chúng Nhân dân về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm.

Các ngành chức năng cần phổ biến rộng rãi các dấu hiệu nhận biết và kỹ năng xử lý khi gặp phải tội phạm buôn người. Đặc biệt, ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người, những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ và trẻ em, những nơi có nhiều lao động nữ, nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... cần có biện pháp ngăn chặn, không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm buôn bán người vẫn rình rập ở các vùng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO