Tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Hoàng Thanh| 18/05/2018 09:22

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, thời gian gần đây, tội phạm dùng chiêu trò lừa đảo qua điện thoại để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, nhất là người cao tuổi và phụ nữ đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, để người dân mất cảnh giác, bọn tội phạm không dùng điện thoại di động mà dùng điện thoại cố định để lừa đảo.

ADQuảng cáo

Mới đây, chị Nguyễn Thị Ng ở huyện Chư Jút bị lừa mất 600 triệu đồng. Chị Ng cho biết, cuối tháng 4 vừa rồi có một phụ nữ tự xưng là nhân viên của ngành gọi điện đến số máy cố định của gia đình chị thông báo rằng chị chưa nộp tiền điện thoại. Chị Ng trả lời với “nhân viên” trên, mình mới đóng tiền sáng nay thì được yêu cầu bấm phím 2 để được giải đáp. Khi chị Ng bấm phím 2 thì có một “nhân viên” khác yêu cầu chị bấm phím 8. Khi chị Ng bấm phím số 8 thì gặp một người đàn ông tự xưng là "công an kinh tế" hỏi chị: “Vừa rồi, chồng chị ở Úc gửi về 1,1 tỷ đồng đã nhận chưa?”. Chị Ng ngạc nhiên và trả lời chỉ nhận có 600 triệu đồng. Sau đó vị “công an kinh tế” yêu cầu chị Ng phải gửi 600 triệu đồng vào 1 tài khoản để công an làm rõ một đường dây rửa tiền và sau khi làm rõ, chị Ng sẽ nhận đủ 1,1 tỷ đồng.

Hoang mang nghĩ rằng điện thoại từ máy cố định chắc chắn là cơ quan chức năng, hơn nữa sợ mất số tiền 600 triệu đồng mà người thân gửi như thông báo trên, nên chị Ng gửi 600 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu. Tuy nhiên,  sau khi gửi tiền, chị Ng không liên lạc được với số điện thoại đã gọi cho mình. Biết là đã bị lừa đảo chị Ng báo công an.

ADQuảng cáo

Thủ đoạn trên chỉ là một trong rất nhiều chiêu trò mà bọn tội phạm đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ để lừa đảo. Cũng theo lực lượng công an, những kẻ lừa đảo thường gọi điện thoại xưng danh là nhân viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền lớn, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, nếu không sẽ bị phạt tù.

Tinh vi hơn, chúng không cần xưng danh mà cho số điện thoại bảo nạn nhân gọi hỏi trực tiếp tổng đài 1080 để biết chúng là ai. Thực ra, cả trường hợp này và thông báo nợ cước điện thoại, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng. Tin lời, không ít người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã sập bẫy.

Trước tình trạng trên, lực lượng công an đã khuyến cáo người dân phải đề cao cảnh giác, nhất là với những cuộc gọi là người lạ. Bởi thực tế các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại hay gọi điện nhắc nhở. Riêng lực lượng công an, khi làm việc với đương sự sẽ có thư mời, ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc. Đặc biệt, lực lượng công an không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm lừa đảo qua điện thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO