Vẫn “vô tư” dùng xung điện đánh cá

Phạm Khánh| 23/05/2019 10:14

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình trạng người dân sử dụng xung điện đánh bắt cá vẫn còn diễn ra phổ biến.

ADQuảng cáo

Bắt cá bằng hình thức này không những khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt có nguy cơ bị cạn kiệt mà còn đe dọa tới tính mạng người đánh bắt. Mặc dù đã có luật quy định, nghiêm cấm rõ ràng nhưng xem ra chưa thấy địa phương, cơ quan nào thực thi, xử lý.

Người dân dùng xung điện đánh bắt cá trên cánh đồng ở xã Đức Xuyên (Krông Nô)

Dùng xung điện mang lại hiệu quả tức thời

Trên cánh đồng xã Quảng Phú (Krông Nô), chúng tôi bắt gặp hai người dân đang bắt cá bằng kích điện. Dụng cụ khá đơn giản, gồm 1 bình ắc-quy 12V, bộ kích điện và 2 dây dẫn gắn vào 2 cây dài khoảng 1,5m, nối với vợt sắt và một cây sắt nhỏ khá nhọn. Theo giải thích của họ, một bên là dòng điện dương, còn một bên là dòng điện âm, khi nguồn điện từ bình ắc quy, qua bộ kích, dòng điện sẽ lên đến 220V. Do vậy, người đánh bắt chỉ cần dí 2 đầu cây xuống nước, bật công tắc sẽ tạo ra luồng điện mạnh tác dụng trong bán kính từ 1m-2m là thu được thành quả.

Quả như mô tả của những người đàn ông này, khi dí 2 đầu cây xuống nước, bấm công tắc thì cá, tôm, tép, các loài sinh vật khác, thậm chí lươn ở dưới bùn lầy đều bị điện giật, nổi lên trắng cả nước. Những loại cá to được họ thu nhặt, còn những loài nhỏ thì bỏ lại, không thèm lấy.

Anh Điểu T, một trong hai người cho hay: “Chúng tôi dùng dụng cụ xung điện đánh bắt cá vì mang lại hiệu quả tức thời so với các biện pháp khác như giăng câu, thả lưới. Trường hợp đánh bắt cá ở sông, suối và các hồ thủy điện, chúng tôi sử dụng 2 bình ắc quy loại 24V, bộ kích điện có thể lên đến 500V, dây dẫn được gắn với cái cào bằng sắt rộng khoảng 1,5m - 2m. Bởi, những loại này mới bắt được cá to, hoặc các loại cá khỏe ít bị nhiễm điện như cá rô phi”.

Tại xã Đức Xuyên (Krông Nô), tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện còn rầm rộ hơn. Vào mùa nước rút, trên cánh đồng có lúc tới 3-4 tốp người mang theo bình ắc quy để đánh bắt cá. Còn tại Gia Nghĩa, tình trạng người dân sử dụng xung điện đánh bắt cá dọc theo suối, trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi cũng không kém. Tất cả những người đánh bắt cá tại những khu vực này đều sử dụng bộ kích điện có cường độ dòng điện lớn. Với cách đánh bắt này, toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du, các sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5-2 m đều bị hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Anh Nguyễn Đức Duy, một người dân ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho hay: “4 năm trước đây, những trận mưa đầu mùa, loài cá trắng nhỏ thường nhảy ngược dòng rất nhiều, còn vào mùa khô, nước cạn còn thấy cả đàn cá chép bơi lội dưới nước. Nhưng vài năm trở lại đây, do tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt quá nhiều, nên các loài cá khó sống sót”.

ADQuảng cáo

Việc đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ làm cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, mà còn đe dọa đến cả tính mạng người có hành vi đánh bắt theo kiểu này. Trong các năm 2016-2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp dùng thuyền để kích điện bắt cá dẫn đến tử vong, do dây dẫn, bộ dụng cụ bị hở.

Chính quyền, cơ quan chức năng chưa vào cuộc

Tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Còn tại Khoản 2, Điều 15 của nghị định này thì mức xử phạt nặng hơn từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

Tại Khoản 1, Điều 35, Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì UBND cấp xã có quyền xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng có giá trị không vượt quá 5 triệu đồng.

Mặc dù luật đã ban hành từ lâu, nhưng xem ra người có hành vi sử dụng kích điện đánh bắt cá lại không hề nắm bắt, hiểu biết và chưa một lần nghe tới quy định này. Anh Điểu T ở xã Quảng Phú cho hay: “Lâu nay vào mùa nước cạn hoặc đầu mùa mưa, mình vẫn dùng bộ kích điện đi chích cá, nhưng không bị xử lý. Mình cũng chưa một lần được nghe ai tuyên truyền nói về hành động này là vi phạm pháp luật. Nếu biết bị xử phạt vì dùng điện chích cá làm cạn kiệt nguồn thủy sản, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái thì mình sẽ không làm nữa”.

Khi người dân còn mơ hồ, không nắm bắt về quy định cấm đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc tuyên truyền, xử lý nên tình trạng nói trên vẫn còn tiếp diễn. Ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Trước đây, địa bàn có nhiều trường hợp dùng bình ắc quy kết hợp với bộ kích để đánh bắt cá nước ngọt trên đồng ruộng, còn hiện nay không nhiều. Từ trước tới giờ, xã cũng chưa xử lý, xử phạt, tịch thu dụng cụ kích điện nào của đối tượng sử dụng để bắt cá”.

Còn tại xã Đức Xuyên (Krông Nô), nơi đang tồn tại khá nhiều người dùng bộ kích điện để hành nghề đánh bắt cá hàng ngày thì sự vào cuộc, xử lý của địa phương cũng không hề khả quan hơn. Ông Trần Quang Bảy, Chủ tich UBND xã Đức Xuyên cho biết: “Từ trước tới nay, xã cũng chỉ mới nhắc nhở chứ chưa xử lý, xử phạt đối tượng dùng kích điện để bắt cá”.

Rõ ràng, chính quyền các địa phương vẫn chưa quan tâm, thậm chí cho rằng việc xử lý hành vi này không thuộc thẩm quyền của mình, không biết “mặt mũi” của quy định ra sao. Vì không biết, không nắm rõ quy định nên công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân cũng đang bỏ ngỏ.

Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần nắm rõ văn bản pháp luật, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân hiểu và chấp hành tốt hơn, góp phần giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn “vô tư” dùng xung điện đánh cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO