Vay tiền online, coi chừng “dính bẫy” tín dụng đen

Tường Mạnh| 25/12/2019 08:01

Trong thời gian gần đây, cứ vài ngày, điện thoại của tôi lại nhận được một số tin nhắn dạng mời chào vay tiền qua mạng, với những thông tin về các điều khoản rất dễ dàng, hấp dẫn. Mặc dù không có nhu cầu vay nhưng tôi cũng lên mạng tìm hiểu xem dạng vay tiền online này ra sao mới thấy nhiều điều đáng giật mình.

ADQuảng cáo

Cụ thể, ngày 19/12 mới đây, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn với nội dung: “Bạn được PECREDIT hỗ trợ vay đến 50 triệu VND, trả góp từ 481.000 đồng/tháng. Đồng ý, soạn PE3 gửi 9155 (M.phí); từ chối, soạn BL gửi 9155”. Điều đáng nói là dạng tin nhắn kiểu này rất nhiều, vài ba ngày lại xuất hiện một lần, gây rất nhiều phiền phức và nếu không tỉnh táo chắc chắn những người đang có nhu cầu vay sẽ “dính bẫy” một cách dễ dàng.

Đằng sau lời mời chào vay hấp dẫn qua tin nhắn điện thoại này là "cái bẫy" khôn lường

Thử vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “vay tiền qua mạng” thì ngay lập tức cho ra đến 119.000.000 kết quả trong vòng 0,44 giây. Điều đó cho thấy, thông tin về hình thức vay tiền qua mạng này hết sức phong phú, ngoài những bài viết đề cập đến vấn đề này thì phần lớn là quảng cáo, hướng dẫn người vay thực hiện các cú pháp, giao dịch vay tiền online.

Theo thông tin một số bài viết liên quan đến vấn đề này cho thấy, với chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần cài đặt các ứng dụng vay tiền (“app”) hoặc theo hướng dẫn cú pháp trên tin nhắn và điền thông tin vào là người vay nhanh chóng nhận được tiền. Nhưng người vay thường không biết đây là cái bẫy tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”. Nhiều cơ quan báo chí đã nhận được phản ánh của rất nhiều bạn đọc về hình thức biến tướng của nạn cho vay nặng lãi này.

Điển hình, một bài viết của Báo Công an TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7/10/2019 với tiêu đề “Vay tiền online, coi chừng sập bẫy với lãi suất “cắt cổ”” đã kể lại rất nhiều trường hợp vì tò mò, tải ứng dụng vay thử, rồi bị “sập bẫy”, phải tìm đường thoát nợ bằng cách tự tử, may mà thoát chết vì được cấp cứu kịp thời. Có nạn nhân chỉ vay 8 triệu đồng trên ứng dụng cho vay tiền online, với quảng cáo ban đầu là lãi suất rất thấp.

Thế nhưng, từ khoản vay 8 triệu đồng ban đầu, sau 2 tháng, nạn nhân đã bị cuốn vào vòng xoáy phải vay tiếp ở nhiều ứng dụng vay tiền online khác, với số nợ tổng cộng lên đến 200 triệu đồng. Khi không trả được nợ, nạn nhân bị các chủ nợ gọi điện khủng bố tinh thần, ép trả tiền, nên đã tìm đến cái chết.

ADQuảng cáo

Theo Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh thông tin, nhiều bạn đọc là nạn nhân vay tiền tại các app, trang web, qua tin nhắn đã phản ánh: Thủ tục vay online đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng khi chậm trả cũng bị đòi nợ theo kiểu "giang hồ".

Theo điều tra của Báo Tuổi Trẻ, tình trạng vay tiền online này đang hoạt động rất rầm rộ. Hàng loạt app, trang web cho vay được quảng cáo trên Facebook, YouTube, đủ thể loại. Trong đó, có những app mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền siêu tốc, vay tiền lấy liền, vay tiền nhanh - cho vay nhanh… Chính vì việc vay "nóng" qua app khá đơn giản, nhanh gọn mà hiện nay rất nhiều người dân bị "dính bẫy" tín dụng đen. Khi đã "dính" sâu, không còn khả năng chi trả thì người vay sẽ bị "xã hội đen" đòi nợ.

Theo các chuyên gia, cho vay tiền qua app là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động. Phương thức sử dụng công nghệ cao cho vay rất tinh vi. Người dân cũng tin vào việc cho vay để cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân đăng ký vay ở các app. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Các app vay thường quảng cáo lãi suất thấp nhưng thực chất họ trừ số tiền phí lớn. Thực chất số tiền mà các app giữ lại chính là khoản tiền lãi.

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận, nhưng mỗi khoản vay lãi suất không được vượt quá 20%/năm, tức 1,666%/tháng. Với lãi suất vượt quá 2-5 lần lãi suất quy định của pháp luật là đã đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt cao nhất là phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo quy định hiện nay, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Vì vậy, để quản lý hình thức cho vay này, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, cần có luật, cơ chế để phân loại hình thức vay nào có thể cho hoạt động, hình thức nào cần sự quản lý chặt. Trong đó, các hình thức cho vay có lãi suất đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, với các hành vi như khủng bố tinh thần người vay như lập bàn thờ, đặt quan tài tại nơi ở và nơi làm việc, dán ảnh kèm theo nội dung lăng mạ, xúc phạm, sử dụng mạng xã hội để đe dọa, làm nhục người vay, người thân của người vay..., cũng sẽ bị pháp luật xử lý về tội làm nhục người khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vay tiền online, coi chừng “dính bẫy” tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO