Về việc người dân gần Dự án Alumin Nhân Cơ đòi quyền lợi, di dời: Cần hiểu đúng pháp luật, thiện chí phối hợp giải quyết

Bảo Ngọc| 24/10/2019 11:00

Trong khoảng gần một tháng nay, một số hộ dân sinh sống tại 2 xã Nhân Cơ, Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã kéo đến trụ sở Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV (DNA) để đòi hỏi lãnh đạo công ty phải thực hiện một số yêu cầu của mình liên quan đến dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin Nhân Cơ.

ADQuảng cáo

Phải thu hồi hết diện tích đất xung quanh

Ngày 13/9/2018, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) có Văn bản số 2988/TCMT-TĐ về việc xác định khoảng cách an toàn từ hồ bùn đỏ, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đối với các hộ dân xung quanh. Tổng cục Môi trường đồng ý tạm thời áp dụng khoảng cách an toàn về bụi và khí thải là 700m tính từ ống khói nhà máy. Khoảng cách an toàn từ hồ bùn đỏ đến đường giao thông được xác định lớn hơn hoặc bằng 500m.

Theo quy định, khoảng cách an toàn về bụi và khí thải là 700m tính từ ống khói Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Ngày 19/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1857 trả lời đơn thư kiến nghị của một hộ dân phản ánh Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây ô nhiễm. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, các ngành chức năng liên quan tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân nằm trong bán kính bị ảnh hưởng môi trường từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo quy định của pháp luật.

Sau văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, các hộ dân sống xung quanh khu vực Nhà máy Alumin và hồ bùn đỏ cho rằng: Đất đai, nhà cửa, cây trồng trong phạm vi bán kính an toàn về môi trường (700m tính từ ống khói nhà máy, và lớn hơn hoặc bằng 500m tính từ hồ bùn đỏ) là đều được di dời, đền bù giải tỏa. Do đó, các hộ dân liên tục gửi đơn kiến nghị yêu cầu giải quyết.

Thậm chí, từ giữa tháng 9 đến nay, một số hộ dân đã tập trung, kéo lên DNA tố cáo việc Nhà máy Alumin Nhân Cơ phát sinh ra mùi hôi, bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân yêu cầu công ty, Nhà nước phải xem xét, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tài sản để đi nơi khác sinh sống.

Mặc dù đã được lãnh đạo công ty, UBND huyện Đắk R’lấp và Đồn Công an Khu công nghiệp Nhân Cơ vận động, tuyên truyền, đối thoại để người dân hiểu rõ chủ trương nhưng nhiều người vẫn không đồng ý và liên tục kéo đến cổng trụ sở DNA để phản đối và có các hành vi gây rối trật tự tại đây. Các hộ dân yêu cầu DNA phải di dời nơi sinh sống của họ với khoảng cách 500m tính từ mép hồ bùn đỏ và nhà máy sản xuất alumin phải dừng hoạt động.

Theo ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc DNA thì nhiều người dân đã yêu cầu công ty sớm lên phương án bồi thường nhà cửa, cây trồng, đất đai để họ chuyển đi nơi khác sinh sống. Lý do các hộ dân đưa ra là việc sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những yêu cầu của người dân cần phải đúng quy định của pháp luật, phải được chính quyền địa phương, các ngành chức năng xem xét thấu đáo và đồng ý. Lúc đó, DNA mới có thể đề xuất tập đoàn thực hiện được.

Khoảng cách an toàn từ hồ bùn đỏ đến đường giao thông được xác định lớn hơn hoặc bằng 500m

ADQuảng cáo

Tiến hành quan trắc môi trường độc lập

Liên quan tới vấn đề này, ngày 24/10/2018, tại Công văn số 5369 về việc giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, UBND tỉnh đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo DNA thuê đơn vị quan trắc độc lập để đánh giá các thông số kỹ thuật liên quan đến khí thải của nhà máy và các tiêu chí liên quan. Trên cơ sở đó, đối chiếu với kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường để đi đến kết luận cụ thể về bán kính ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng của nhà máy đến các hộ dân sinh sống xung quanh. UBND tỉnh lưu ý phải tăng cường các điểm, tần suất quan trắc để có kết quả chính xác, minh bạch, đầy đủ nhất.

Tiếp đó, tại Công văn số 4414 ngày 13/9/2019 về việc xử lý việc một số hộ dân tập trung khiếu kiện tại DNA, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Đắk R’lấp, DNA tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ sụt lún, sạt lở, mức độ ảnh hưởng của bụi, khí thải đến sản xuất, sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Trường hợp có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực nêu trên, các đơn vị cần báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. UBND tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh triển khai nắm bắt vụ việc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng lợi dụng, tuyên truyền, kích động người dân gây phức tạp tình hình và an ninh trật tự tại địa phương.

Các đơn vị liên quan tổ chức một buổi đối thoại với người dân tại UBND xã Nhân Cơ

Theo ông Mai Chiến Thắng, việc quan trắc, đánh giá tổng thể chất lượng môi trường xung quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ và hồ bùn đỏ mất rất nhiều thời gian do diện tích rộng; quan trắc rất nhiều điểm và tần suất được tăng cường theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, để đánh giá tổng thể, cần quan trắc cả trong mùa khô lẫn mùa mưa, các yếu tố về hướng gió, thời tiết cũng cần được khảo sát, đánh giá trong các điều kiện khác nhau. Do đó, phải đến cuối quý 1/2020 mới có kết quả chính thức.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là một số hộ dân không hợp tác với các đơn vị quan trắc. Họ cho rằng, việc quan trắc như vậy sẽ không công bằng, không đem lại kết quả chính xác và không có lợi cho người dân. Thậm chí, người dân còn yêu cầu Nhà máy Alumin phải ngừng hoạt động, tuy nhiên điều này thì không thể được”- ông Thắng khẳng định.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp theo đúng các quy định pháp luật của các bên liên quan, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành vấn đề quan trắc, đánh giá tổng thể. Kết luận quan trắc, đánh giá tổng thể sẽ là căn cứ quan trọng nhất để các ngành chức năng tiến hành các bước tiếp theo. Người dân cần hiểu đúng quy định, đồng thời phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng để quá trình này được tiến hành thuận lợi và có kết quả sớm nhất.

Người dân cần phải hiểu đúng quy định

Theo quy định của pháp luật và biên bản làm việc của các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này, việc thu hồi đất tại dự án Alumin Nhân Cơ chỉ được tiến hành đối với các khu vực đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng hoặc ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65, Luật Đất đai 2013)...

Bên cạnh đó, việc thu hồi phải có thời gian và phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định (trong trường hợp này là Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đắk Nông); không thể căn cứ việc áp dụng tạm thời khoảng cách an toàn về bụi và khí thải để yêu cầu hoặc tiến hành việc thu hồi đất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về việc người dân gần Dự án Alumin Nhân Cơ đòi quyền lợi, di dời: Cần hiểu đúng pháp luật, thiện chí phối hợp giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO