Vòng xoáy tín dụng “đen”

Phạm Khánh| 27/03/2019 10:00

Bản chất của tín dụng "đen” là hoạt động cho vay nặng lãi, giống như chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi đến tận các vùng quê, thôn xóm, thị tứ. Qua thời gian, với sự hoạt động tinh vi của đối tượng cho vay, hình thức này gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm mất an ninh trật tự.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Tín dụng “đen” làm tan cửa nát nhà

Xét về mặt kinh tế, làm ăn để sinh lợi nhuận thì người vay với lãi suất cao sẽ không mang lại hiệu quả, nhất là vay để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi lâu nay vẫn có “đất sống”, gây ra bao nhiêu hệ lụy đối với nhiều gia đình và xã hội.

È cổ gánh lãi suất

Gia đình anh Nguyễn Văn Thân ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 4 ha đất, năm 2013 bắt tay vào trồng 1 ha bơ booth. Để có vốn đầu tư, anh vay bên ngoài 200 triệu đồng, lãi suất khi đó là 30% và mỗi tháng phải trả lãi 6 triệu đồng tiền lãi, cao hơn 3 lần so với lãi suất ngân hàng. Như vậy, mỗi năm, anh phải trả lãi với tổng số tiền là 72 triệu đồng. Hạn trả gốc là 1 năm, nhưng khi đến hạn, không có khả năng trả, anh liên tục khất nợ 5 lần. Sau 5 năm, khi vườn bơ có thu, anh mới trả được tiền gốc và tiền lãi với tổng số tiền lên đến 560 triệu đồng.

Anh Thân cho biết: “Suốt 5 năm, với 3 ha đất còn lại tôi đành phải trồng sắn, bắp, các loại hoa màu khác để có nguồn thu trả nợ lãi. Nếu vay được vốn của ngân hàng, với số tiền vay 200 triệu đồng nói trên, trong vòng 5 năm, tôi chỉ trả cả gốc và lãi cao lắm khoảng 300 triệu đồng. Không những vậy, gia đình tôi còn có thể mở rộng diện tích trồng bơ mang lại nguồn thu, lợi nhuận nhiều hơn”.

Năm 2011, gia đình anh Nguyễn Tấn Hồng ở thôn 6, xã Trường Xuân (Đắk Song) vì không tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay 100 triệu đồng từ bên ngoài để cải tạo 2,5 ha cà phê, với lãi suất 5 triệu đồng/tháng. Khi lấy tiền, chủ nợ chiết khấu tiền lãi 1 năm nên anh chỉ nhận số tiền thực là 45 triệu đồng.

Với 45 triệu đồng, mục đích cải tạo vườn cà phê không đạt như dự kiến ban đầu mà chỉ thực hiện được 5 sào. Khi giá cà phê bấp bênh, diện tích cải tạo không được mở rộng, trong khi đó lãi suất cao, sau 5 năm anh không trả được gốc và lãi nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 3 năm trở lại đây, anh tiếp cận vay vốn ngân hàng được 200 triệu đồng, nhưng chỉ đủ trả lãi và nợ gốc số tiền đã vay nặng lãi trước đó, chứ cũng không thể tiếp tục đầu tư cho vườn cây.

Hậu quả của vay nặng lãi làm cho kinh tế của gia đình anh Nguyễn Tấn Hồng ở thôn 6, xã Trường Xuân (Đắk Song) rơi vào hoàn cảnh khó khăn

ADQuảng cáo

Bi đát hơn, anh N. T. H ở huyện Đắk R’lấp vay 200 triệu đồng của một đối tượng với lãi suất 150% và mỗi tháng phải trả lãi 30 triệu đồng. Sau 2 năm làm ăn nhưng bị thua lỗ, anh H không còn khả năng chi trả cả lãi và vốn là 920 triệu đồng. Cuối cùng, 2 ha cà phê, tiêu - là nguồn sống của cả gia đình và nhà cửa bị chủ nợ “xiết” để trừ nợ. Không còn chốn nương thân, gia đình lâm vào cảnh bi đát, hạnh phúc vợ chồng cũng rạn nứt. Thế là anh dẫn con đầu về quê, còn vợ và đứa con nhỏ ra thị trấn Kiến Đức thuê phòng trọ đi bán vé số để kiếm sống. Đáng buồn hơn, 2 đứa con cũng phải nghỉ học giữa chừng.

Tương tự, chị L. Th. N ở huyện Đắk Song vay 150 triệu đồng của các đối tượng trên địa bàn để thêm vào nguồn vốn buôn bán đất đai, với lãi suất hàng tháng phải chịu là 300%. Như vậy, với số tiền vay 150 triệu đồng, chị phải trả lãi 45 triệu đồng/ tháng. Những tưởng sau khi mua đất sẽ bán được trong vòng 1 tháng để kiếm lời, nhưng gặp phải thời điểm thị trường đất chững lại, nên chị không bán được đất. Sau 1 năm đến hạn trả nợ, chị không thể trả được gốc, trong khi tiền lãi lên đến 540 triệu đồng. Thế là miếng đất chị mua trị  giá 700 triệu đồng được đưa ra để trừ nợ lãi và gốc.

Đủ dạng người cần vay

Thực tế, những người đành phải vay vốn với lãi suất cao đủ các thành phần như nông dân sản xuất nông nghiệp, người kinh doanh, buôn bán, doanh nghiệp, thậm chí là những đối tượng lâm vào tệ nạn như cờ bạc, ma túy…

Đối với doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả thì nhu cầu vay nặng lãi mang tính tạm thời trong vòng 1 tuần, hoặc 1 tháng. Bởi, có những thời điểm doanh nghiệp thiếu vốn, lịch giao dịch thương mại cận kề, trong khi thủ tục vay vốn ngân hàng không kịp thời, nên họ đành chấp nhận vay “tín dụng đen” với lãi suất cao. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ, tài sản đã được thế chấp vay các ngân hàng, thì chỉ còn cách vay nặng lãi. Khi không còn đường cứu vãn, nợ lãi cao, doanh nghiệp bỏ trốn để quỵt nợ.

Trường hợp là nông dân làm nông nghiệp cũng vay nặng lãi để đầu tư sản xuất. Không ít người vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không thể thế chấp vay số tiền khá lớn từ các ngân hàng, đành phải vay nặng lãi từ bên ngoài để đầu tư sản xuất, dẫu biết sẽ è cổ gánh lãi, mất nhiều năm làm lụng cũng chưa chắc hoàn trả được nổi cả lãi lẫn gốc cho kẻ cho vay nặng lãi.

Những trường hợp lâm vào tệ nạn cờ bạc bằng các hình thức như cá độ đá bóng, bài bạc... cũng thường vay lãi nặng. Đa số những đối tượng đánh bạc, khi bị thua, muốn gỡ gạc đành phải chấp nhận vay “nóng” tại chỗ với lãi suất ngất ngưởng từ 500%-600%. Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau, các trường hợp buôn bán trái phép chất ma túy, hay người buôn bán đất đai cũng vay nặng lãi.

Khi hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi ngày càng bất chính, lãi suất được đẩy lên cao từ 300%- 500%, người vay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất là điều đã và đang diễn ra ở các vùng quê. Hầu hết các trường hợp sau khi vay, làm quanh năm không đủ trả nợ lãi, đành phải đem nhà cửa, đất sản xuất để gán nợ, cuối cùng là trắng tay, không chốn nương thân.

>>Kỳ 2: Nhận diện rõ thủ đoạn để đấu tranh, ngăn chặn

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy tín dụng “đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO