Vòng xoáy tín dụng “đen” (kỳ 2): Nhận diện rõ thủ đoạn để đấu tranh, ngăn chặn

Phạm Khánh| 28/03/2019 09:59

Hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm, cá nhân ngày càng tinh vi, phổ biến, mang tính chuyên nghiệp, với các hình thức cầm đồ, chơi hụi, các tổ chức hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp… Vì vậy, cùng với nhận diện rõ hình thức, thủ đoạn, lực lượng chức năng đang tập trung các biện pháp cần thiết để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, bảo đảm an ninh trật tự.

ADQuảng cáo

Núp bóng dưới các hình thức

Trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa có rất nhiều tiệm hoạt động cầm đồ với biển báo được gắn công khai. Nhưng thực tế đi sâu tìm hiểu cho thấy, hoạt động cầm đồ chỉ là bề nổi, còn cho vay nặng lãi là chính.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh thu giữ nhiều vật chứng từ các nhóm cho vay nặng lãi núp bóng dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, chơi hụi

Anh Nguyễn Văn Đức ở tỉnh Đắk Lắk xuống Đắk Nông nhận thầu xây dựng công trình nhà ở. Quá trình làm nghề, do thiếu phương tiện, vật liệu, anh phải mang xe máy ra tiệm cầm đồ có tên N.T ở phường Nghĩa Thành để cầm cố lấy tiền mua sắm. Chiếc xe máy còn mới trị giá gần 20 triệu đồng, nhưng khi anh cầm cố chỉ được tối đa 10 triệu đồng, thời hạn lấy xe là 3 tháng, với lãi suất 3 triệu đồng/tháng, tương đương với 30%, vượt quá quy định cho phép gấp 30 lần. Sau 3 tháng đến hạn lấy xe, anh Đức trả tiền lãi là 9 triệu đồng, gốc là 10 triệu đồng, coi như mất trắng chiếc xe.

Ông T. M. L ở phường Nghĩa Đức chấp nhận mất lô đất trị giá gần 1 tỷ đồng cũng vì cầm cố “sổ đỏ” tại một tiệm cầm đồ ở đường Tôn Đức Thắng. Thời điểm ông cầm cố “sổ đỏ” là vào đầu năm 2018 với số tiền là 200 triệu đồng, với lãi suất lên đến 250%/tháng, nên phải trả lãi 50 triệu/tháng. Sau thời hạn 1 năm, ông không có khả năng trả, nên đành chấp nhận mất luôn lô đất.

Tương tự, các hình thức chơi hụi, hỗ trợ tài chính, cho vay đáo hạn, vay trả góp đều dùng thủ đoạn này để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi. Trong đó, hình thức chơi hụi chỉ là ngụy trang, thực chất những đối tượng cho vay không hề huy động vốn từ bên ngoài. Điều đáng nói ở đây, hầu hết các đối tượng cho vay với hình thức này đều ở các tỉnh khác đến, rồi móc nối với những đối tượng trên địa bàn để mời chào, giới thiệu người có nhu cầu vay. Sau mỗi “phi vụ” hoàn thành, người giới thiệu được hưởng hoa hồng 10% -20% từ số tiền của người vay.

Công an huyện Đắk Song lấy lời khai các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi

Một điểm chung dễ nhận thấy là các thỏa thuận vay đều bằng giấy viết tay, chỉ được ghi nhớ giữa 2 bên là số tiền cầm cố, thời hạn đóng tiền lãi, lấy tài sản chứ không hề ghi cụ thể lãi suất bao nhiêu phần trăm. Khi đến kỳ hạn, chủ tiệm cũng ghi nhận là đã đóng tiền lãi hàng tháng, không ghi rõ người đóng lãi cụ thể bao nhiêu tiền. Trong sổ sách lưu giữ của chủ tiệm cầm đồ cũng chỉ thể hiện thời gian nhận lãi, nội dung giao dịch, nhưng tất cả đều không hề ghi phần trăm lãi suất. Mục đích của chủ cầm đồ là nhằm đối phó, che giấu hành vi vi phạm pháp luật trong việc cho vay nặng lãi nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Minh chứng cho điều này là qua 3 vụ án cho vay nặng lãi do lực lượng chức năng khám phá tại huyện Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa, các đối tượng đều sử dụng “thủ thuật” này. Với những thủ đoạn kể trên của đối tượng cho vay nặng lãi, gây khó khăn rất nhiều cho công tác điều tra, phá án của lực lượng chức năng.

ADQuảng cáo

Hành xử theo kiểu “xã hội đen”

Khi hoạt động vay nặng lãi diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều trường hợp mất đất, nhà cửa, hoặc do không còn khả năng trả nợ, nên tìm cách trốn chạy. Trong khi đó, những chủ nợ thì không dễ gì chấp nhận mất của nên đã nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật, hành xử theo kiểu “xã hội đen” để đe dọa, phạt lãi tăng gấp nhiều lần và cưỡng đoạt tài sản trái pháp luật. Đã có nhiều trường hợp, người vay không đủ khả năng trả nợ nên bị chủ nợ phạt lãi, thuê giang hồ đến đe dọa.

Điển hình là chị L.Th.T ở huyện Đắk Song vay 20 triệu đồng để có thêm vốn buôn bán tạp hóa và số tiền lãi phải đóng hàng tháng là 720.000 đồng. Nhưng đến tháng thứ 2, chị trả lãi không đúng hạn nên bị chủ nợ phạt lãi thêm 300%. Không những vậy, khi đến hạn trả, nhiều lần chủ nợ thuê giang hồ đến nhà đe dọa làm cho gia đình bất an, công việc buôn bán cũng bị đình trệ. Quá lo sợ, chị vay tiền của những đối tượng khác để trả với tổng số tiền 50 triệu đồng, nhưng vẫn còn nợ 10 triệu đồng.

Trường hợp của anh H. Ng. B ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) thì bị chủ nợ thuê “xã hội đen” vào tận nhà gây rối, đánh đập. Sau khi hành hung, nhưng không đòi được tiền, nhóm đòi nợ thuê vào nhà lấy xe máy, ti vi, tủ lạnh cùng một số tài sản khác.

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nắm bắt thủ đoạn, phương thức của đối tượng cho vay nặng lãi

Kiên quyết triệt phá

Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: “Khi người vay không hợp tác, khai báo không đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phá án của lực lượng chức năng, nhất là công tác tố tụng, truy cứu trách nhiệm hành vi vi phạm đúng với mức độ phạm tội mà các đối tượng cho vay nặng lãi đáng ra phải chịu. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phải nỗ lực hết mình để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Hiện nay, Công an tỉnh cũng như các huyện, thị xã quyết tâm khám phá án, bắt bằng được các đội tượng thu lợi bất chính trong hoạt động cho vay nặng lãi phải chịu sự trừng trị của pháp luật”.

Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng tham mưu tổng hợp, kiêm phát ngôn Công an tỉnh cho biết: “Qua nắm tình hình, xử lý các vụ việc, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm “núp bóng” hoạt động thông qua công ty đòi nợ thuê, gây ra nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xã hội ở địa bàn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Công an tỉnh đã thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, khởi tố 2 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích và rút giấy chứng nhận điều kiện về an ninh trật tự đối với công ty này; đồng thời, lập hồ sơ giáo dục tại địa phương đối với 7 đối tượng liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê trái quy định”.

Cũng theo Thượng tá Bình, tình hình hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, manh động. Vì vậy, lực lượng Công an tỉnh, huyện và thị xã đang triển khai, tổ chức trinh sát nắm bắt tình hình, thu thập chứng cứ để triệt phá các băng, nhóm tổ chức cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê để ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng chỉ đạo cho các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về đấu tranh, phòng chống loại tội phạm cho vay nặng lãi, hành xử theo kiểu “xã hội đen”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy tín dụng “đen” (kỳ 2): Nhận diện rõ thủ đoạn để đấu tranh, ngăn chặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO