Ý thức trách nhiệm khi livestream

Quốc Diễn| 26/10/2018 09:42

Những năm gần đây, các ứng dụng phát video trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội mang đến nhiều tiện lợi cho người dùng và trở thành một trào lưu mới. Nhưng livestream là con dao hai lưỡi, nó cũng gây những hệ lụy khôn lường nếu người dùng không tỉnh táo.

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Chỉ vì ham muốn thể hiện bản thân, được nổi tiếng trong thế giới ảo mà nhiều người đã hành động nông nổi, mất kiểm soát. Nhiều người đã dùng các chiêu trò để câu like, share và kiếm tiền từ việc livestream. Những cụm từ như: Đủ like sẽ tặng thẻ cào, cởi áo, cạo đầu… thậm chí những việc nguy hiểm đến tính mạng như đốt nhà, rạch tay, nhảy cầu xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội.

Một số người đã thiếu ý thức khi cổ vũ những chiêu trò trên bằng bình luận và lượt share của mình. Gần đây, một số bạn trẻ ăn mặc phản cảm, không phù hợp với văn hóa của người Việt để livestream kèm theo đó là những từ ngữ thô tục, kích động nhằm thu hút người theo dõi. Nhiều đoạn livestream nhạy cảm bị kẻ lợi dụng cắt ra đăng lên các trang web đen để thu quảng cáo và có thể cài mã độc để phát tán.

Ngày 16/1/2018, cư dân mạng không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến một người đàn ông ở Kon Tum dùng điện thoại livestream hành động treo cổ tự tử của mình. May mắn người thân và hàng xóm phát hiện kịp thời.  

ADQuảng cáo

Đầu tháng 8 vừa qua, một đoạn clip đánh ghen được livestream trên mạng, một cô gái trẻ bị nhiều người lao vào đánh dù những người xung quanh ra sức can ngăn. Những hành động như vậy được phát trực tiếp khiến cho cộng đồng lo lắng, hoang mang. Sau đó những hình ảnh đó tiếp tục được phát tán rộng rãi, sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho người trong cuộc và người thân, bạn bè của họ.

Mới đây ngày 28/8/2018, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 10 đối tượng, cao nhất là 8 năm tù về những hành vi nghiêm trọng, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, gây hoang mang, lo sợ cho người tham gia giao thông. Trước đó, trong tối ngày 29/12/2017, có một đoạn livestream dài hơn 30 phút của nhóm thanh niên chặn đường trấn lột tiền trên cầu IC8 Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ khiến cộng đồng bức xúc. Trong đoạn livestream, có tới trên chục xe bị nhóm thanh niên chặn lại để “xin đểu”. Mỗi lần “xin tiền” nhóm này lại reo hò ăn mừng, cười đùa. Khi một số xe không dừng, một số đối tượng dùng vũ khí đe dọa, chửi bới thậm chí đứng trước ống kính máy quay buông lời lẽ thách thức mọi người báo cơ quan chức năng.

Livestream có nhiều tiện dụng nhưng cũng có thể mang lại những phiền toái, thậm chí tạo nên những hệ lụy khôn lường cho người dùng. Vì thế, trước khi muốn đăng bất cứ nội dung gì trên mạng xã hội, người dùng phải cân nhắc thật kỹ, làm chủ chính hành động của mình và dự lường những hệ lụy có thể xảy ra. Các cơ quan quản lý cần cải thiện hơn nữa dịch vụ, kiểm soát chặt chẽ việc livestream vào các mục đích xấu, gây hại cho người dùng xung quanh.

Bên cạnh sự nỗ lực của nhà quản lý trong kiểm soát ứng dụng, ý thức của người tham gia mạng xã hội khi livestream có tính chất quyết định hơn cả. Vì vậy mỗi người phải cần tự rèn luyện và đề cao ý thức trách nhiệm với những gì chúng ta đăng tải hoặc tham gia trên mạng xã hội. Khi thấy những đoạn livestream không lành mạnh, phản cảm người xem có quyền từ chối hoặc báo cáo nội dung trái phép lên facebook và các mạng xã hội. Đề cao ý thức của người tham gia mạng xã hội và tăng cường hoạt động của cơ quan quản lý sẽ giúp livestream trở lại với những lợi ích, ý nghĩa thực sự của nó.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức trách nhiệm khi livestream
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO