Hỗ trợ cho lao động có điều kiện, cơ hội việc làm tốt hơn

Thanh Hằng thực hiện| 18/02/2022 09:04

Để thực hiện mục tiêu 50% lao động đã qua đào tạo, từng bước hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm, ngành LĐTB-XH tỉnh đang khẩn trương triển khai Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động trở về địa phương tránh dịch. Ngành LĐTB-XH tỉnh đã triển khai những biện pháp nào để hỗ trợ lao động trở về tỉnh?

Ông Hoàng Viết Nam: Trong 2 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2021, hàng ngàn lao động của Đắk Nông phải trở về địa phương tránh dịch. Trong khi đó, thị trường lao động trong tỉnh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, gây sức ép lớn cho địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ lao động trở về tỉnh.

Bên cạnh rà soát, thống kê hỗ trợ cho đối tượng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ, ngành LĐTB-XH còn rà soát nhu cầu đào tạo nghề để chuẩn bị các phương án tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; kích hoạt thông tin thị trường lao động; hỗ trợ tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động...

Ngày 14/2 vừa qua, Sở LĐTB-XH đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước. Qua buổi làm việc, hai bên đã nắm bắt, trao đổi nhiều thông tin để kết nối, cung ứng lao động, phù hợp với các định hướng phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Đồ họa: B.M - D.P

P.V: Phải chăng, đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành LĐTB-XH trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm?

Ông Hoàng Viết Nam: Giai đoạn vừa qua, các địa phương đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên,  tình trạng thiếu việc làm gia tăng, công việc và thu nhập của người lao động thiếu sự ổn định; tình trạng lao động ra ngoài tỉnh tìm việc làm còn cao, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp… vẫn luôn hiện hữu.

Đặc biệt, như đã nói ở trên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng ngàn lao động của tỉnh đang làm việc ở ngoài tỉnh bị mất việc làm phải trở về địa phương. Nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần, gây sức ép không nhỏ cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

P.V: Vậy  mục tiêu của ngành LĐTB-XH trong năm 2022 có phải là giải quyết những thách thức mà năm 2021 đã đặt ra ?

Ông Hoàng Viết Nam: Trong năm 2022, thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những hậu quả do Covid-19 để lại, ngành LĐTB-XH đặt mục tiêu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho khoảng 18.000 lượt lao động; trong đó xuất khẩu lao động là 200 người và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 50%, tổ chức đào tạo nghề cho 4.000 người.

Để làm được điều này, ngay từ đầu năm, ngành đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo định hướng tại Kế hoạch số 103/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 164/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

P.V: Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, chắc chắn cần có những chính sách cần thiết trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm ?

Ông Hoàng Viết Nam: Ngày 28/10/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đến ngày 24/12/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 2296/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12. Chính sách đã tác động rất lớn đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc hỗ trợ đào tạo các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công, người dân tộc thiểu số thì người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật cũng được nhận hỗ trợ, từ đó tạo cơ hội cho người dân trong học tập và việc làm, thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng sẽ đáp ứng yêu cầu cao hơn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế.

Có thể nói, chính sách này sẽ hỗ trợ cho nhiều đối tượng để có điều kiện học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tạo cơ hội việc làm tốt hơn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông !

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ cho lao động có điều kiện, cơ hội việc làm tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO