Những biến động trong giải quyết việc làm

Thanh Nga| 09/11/2021 08:51

Từ năm 2020 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các cấp, ngành tăng cường các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, nhiều người dân đã có việc làm, ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo

Theo Sở LĐTBXH, gần 2 năm nay, trên địa bàn tỉnh có 31.300 lượt lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm. Trong đó, lao động được tạo việc làm trong nước khoảng 31.000 lượt người, đi làm việc ở nước ngoài trên 300 người.

Người lao động được hỗ trợ qua nhiều chương trình, kênh giải quyết việc làm. Trong đó, từ năm 2020 đến nay, Quỹ Quốc gia về việc làm được ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn khác hỗ trợ 4.722 lượt lao động vay vốn tổng cộng hơn 200 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho vay này đã tới tay nhiều đối tượng lao động yếu thế như: người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn... Nguồn này đã giúp nhiều lao động có cơ hội sản xuất, kinh doanh, góp phần tự giải quyết việc làm.

Trong 2 năm qua, toàn tỉnh có trên 8.830 lao động được đào tạo nghề. Trong số đó, trên 80% lao động có thể tự tạo việc làm hoặc tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế.

Lao động dân tộc thiểu số ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được đào tạo nghề dệt thổ cẩm giúp tạo việc làm, tăng thu nhập. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tư vấn về chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho trên 8.240 lượt người.

Đơn vị cũng phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm. Thông qua hoạt động kết nối của Trung tâm, có 72 lượt doanh nghiệp và các đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp trên 1.160 lao động.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của các huyện, thành phố, 2 năm qua, số lao động được tạo việc làm mới tại các doanh nghiệp tổng cộng là 2.710 người; tạo việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên 2.625 người.

Theo ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng Phòng Lao động -  Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH), thời gian qua, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động. Nhiều lao động cũng vì thế mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập.

Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh khu vực phía Nam, dẫn đến lao động bị mất việc làm trở về địa phương tăng lên đột biến. Nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm gia tăng.

Thế nhưng, thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Các khu công nghiệp của tỉnh đa phần yêu cầu lao động ở trình độ có tay nghề cao, trong khi lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông.

Trước thực tế đó, các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, kết nối, giới thiệu việc làm của tỉnh đã giúp nhiều lao động có việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Hiện nay, Sở LĐTBXH đang tham mưu UBND tỉnh giải pháp tăng cường gắn kết “3 nhà” (gồm Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể nâng cao tinh thần trách nhiệm với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ đó, từng bước giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những biến động trong giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO