Nông dân trẻ góp phần thổi làn gió mới vào ngành Nông nghiệp

Phan Tuấn| 04/02/2021 10:18

Nhiều bạn trẻ không ngại chọn nghề “chân lấm, tay bùn” để lập nghiệp. Với tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, các bạn trẻ đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng, chinh phục thị trường và góp phần thổi làn gió mới vào ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.

ADQuảng cáo

Thế hệ nông dân có trình độ cao

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có một bộ phận nông dân trẻ tự tạo ra hàng hóa, rồi tham gia chế biến, đóng gói sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tự mình phân phối ra thị trường.

Cách đây 4 năm, anh Mai Ngọc Yên (SN 1990), ở huyện Tuy Đức đã bỏ phố về quê sinh sống, lập nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp. Nhìn vào trang trại trồng bơ, sầu riêng rộng 20 ha của anh Yên, ít ai nghĩ rằng, chàng nông dân này là kỹ sư công nghệ thông tin mới chuyển sang làm nông nghiệp được vài năm.

Anh Yên cho biết: “Hồi trước, tôi làm kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty tin học lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Dù có công việc ổn định, nhưng ở quê nhà ba mẹ tôi lớn tuổi, không còn sức lao động, vườn tược rộng hàng chục ha bỏ hoang, lãng phí. Tôi cũng nhận thấy, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm nông nghiệp sạch, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, nhưng trên thị trường lại rất khan hiếm nguồn hàng. Sau khi suy nghĩ kĩ, tôi đã quyết tâm bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch”.

Mới 30 tuổi nhưng anh Mai Ngọc Yên đã là chủ nhân của trang trại bơ, sầu riêng rộng 50 ha đang phân phối ổn định cho hệ thống siêu thị, nhà hàng

Mặc dù chân ướt chân ráo bước vào làm nông nghiệp, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, học hành bài bản, nên sản phẩm của anh Yên đã vượt qua các đợt kiểm tra mẫu khắt khe của hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Theo anh Yên, dù là con nhà nông, nhưng khi bắt tay làm nông nghiệp, anh phải học lại từ đầu. Đầu tiên, anh bỏ kinh phí tìm đến các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các kỹ sư nông nghiệp để học tập, nghiên cứu kinh nghiệm.

Sau đó, anh nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, các tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch. Thậm chí, anh Yên còn đầu tư “canh bạc” lớn khi bỏ vốn phát triển 20 ha sầu riêng Thái Lan, các giống bơ như  034, pink, hass, lam hass...  Trong quá trình sản xuất, anh đã chứng minh niềm tin cho hệ thống phân phối, người tiêu dùng bằng cách tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Theo anh Yên, khi sản phẩm có chất lượng, được thị trường ưa chuộng, việc làm ăn của anh như “diều gặp gió”, có đầu ra và thị trường ổn định. Một số siêu thị, kênh phân phối lớn mong muốn hợp tác với anh lâu dài, với giá cả bảo đảm mức lợi nhuận khá, không biến động theo thị trường. Hiện nay, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích thêm 30 ha gồm bơ và sầu riêng để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ thị trường.

Gia đình anh Hoàng Đình Cảnh (SN 1995) ở TP.Gia Nghĩa, đã gắn bó với cây cà phê hàng chục năm qua. Trước đây, gia đình chỉ xuất bán hạt cà phê thô cho thương lái, nên hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn.

Sau khi học đại học về quê, anh Cảnh đã nghiên cứu quy trình chăm sóc, chế biến, tạo dựng thương hiệu cà phê đặc sản để vực dậy kinh tế gia đình. Khi bắt tay vào tiếp quản 2 ha cà phê của gia đình, anh đã "nói không" với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trả vườn cà phê về với môi trường tự nhiên. Quá trình sản xuất, anh chú trọng canh tác sạch từ khâu bón phân, thu hoạch, phơi sấy, đến rang xay, đóng gói sản phẩm.

ADQuảng cáo

Anh Cảnh còn táo bạo xây dựng cho mình thương hiệu cà phê “Tà Đùng”. Những ngày đầu, khi chưa tạo được kênh phân phối, anh đã tiến hành thuê mặt bằng, mở quán cà phê để lo đầu ra cho sản phẩm.

Sau vài năm “vật lộn” với việc tạo dựng thương hiệu, sản phẩm cà phê Tà Đùng của anh bắt đầu được thị trường đón nhận. Hiện nay, sản phẩm cà phê Tà Đùng của anh không chỉ được thị trường trong tỉnh đón nhận mà còn “bay xa”, phân phối đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Ở tuổi 25, anh Hoàng Đình Cảnh đã đưa thương hiệu cà phê Tà Đùng bay xa đến nhiều tỉnh thành trên cả nước

Anh Cảnh phấn khởi cho biết: “Sở dĩ sản phẩm cà phê của tôi tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường là do đáp ứng được tiêu chuẩn sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Bao bì sản phẩm được thiết kế đẹp, thương hiệu dễ nhớ, gần gũi... Khi được thị trường đón nhận, đầu ra rộng mở, chúng tôi đã liên kết với nhiều hộ nông dân quanh vùng để mở rộng vùng nguyên liệu”.

Thời gian qua, có nhiều sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hồ tiêu, mắc ca... nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều do các bạn trẻ tạo ra. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, thế hệ trẻ làm nông nghiệp luôn có sự cách tân, đổi mới và bắt nhịp nhanh nhạy với tình hình, xu thế thời đại. Họ hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Nông dân và doanh nhân

Chị Tôn Nữ Ngọc Như (SN 1992), ở huyện Tuy Đức cũng đã thành công với sản phẩm sấy khô hạt và sản xuất sữa mắc ca. Hàng năm, do được thị trường ưa chuộng nên các sản phẩm nông nghiệp sạch của chị Như đã bán ra thị trường với số lượng lớn.

Chị Như cho biết: “Sản xuất nông nghiệp sạch không đơn thuần là làm ra bó rau, trái cây, sản phẩm sạch để bán cho thương lái mà sản phẩm của mình làm ra phải chứa đựng nhiều giá trị vô hình khác như kênh phân phối, thương hiệu. Xu hướng tiêu thụ nông sản sạch và tự nhiên đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc, bền vững. Chưa tính đến thị trường nước ngoài, ngay cả trong nước cũng vô cùng rộng lớn để chúng ta khai thác. Đó cũng là lý do để nhiều bạn trẻ như chúng tôi quyết lập nghiệp theo con đường xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch”.

Hiện nay, việc các bạn trẻ làm chủ tư duy, công nghệ xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch đã góp phần thay đổi bức tranh nông nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trên một diện tích như nhau, nhưng tư duy làm nông nghiệp của các bạn trẻ đã mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn thế hệ nông dân trước. Thời gian qua, các bạn trẻ đã gắn việc phát triển sản xuất nông nghiệp với kinh tế thị trường.

Thay vì chú trọng vào năng suất, những nông dân trẻ tập trung vào chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, các bạn trẻ cũng có nhiều ý tưởng độc đáo trong việc gia tăng giá trị sản phẩm thông qua thiết kế bao bì đẹp mắt, ấn tượng, xây dựng thương hiệu dễ nhớ, phát triển hệ thống phân phối, hệ thống chăm sóc khách hàng một cách bền vững, lâu dài.

Cách làm nông nghiệp hoàn toàn mới mẻ này thực sự là tín hiệu vui để các mặt hàng nông sản của tỉnh Đắk Nông từng bước nâng cao giá trị, có thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân trẻ góp phần thổi làn gió mới vào ngành Nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO