Vấp ngã ở đâu đứng dậy ở đó!

Hoàng Hoài| 10/08/2018 10:25

Đó là câu nói của một giám thị ở trại giam đã giúp Nguyễn Khắc Hòa (SN 1992) ở tổ dân phố 1, thị trấn Đức An (Đắk Song) hiểu ra vấn đề và tiếp tục đứng dậy, tạo dựng cuộc sống mới, với nhiều niềm vui.

ADQuảng cáo

Làm lại cuộc đời sau những sai lầm, đó là phương châm để Nguyễn Khắc Hòa ngày càng nỗ lực, quyết tâm hơn trong công việc

Sai lầm của tuổi trẻ

Qua lời Hòa kể, chúng tôi được biết, bố mẹ ly hôn khi Hòa mới 1 tuổi. Ký ức tuổi thơ của Hòa là những năm tháng hết ở nhà này đến ở nhà khác chứ không ở cùng bố hay mẹ của mình. Cũng có lúc Hòa ở với bố, nhưng cũng chỉ được một năm lại đi ở cho người khác.  Học hết mẫu giáo, Hòa phải nghỉ học và mãi đến năm 8 tuổi mới được đi học lại. Cuộc sống từ nhỏ di chuyển nhiều nơi, ở với nhiều người đã hình thành trong Hòa tâm lý chán nản, a dua theo đám bạn. Khi đang học lớp 8, Hòa đã theo đám bạn bỏ học giữa chừng, rồi đi học kỹ nghệ sắt để làm nghề nuôi thân.

Năm 2008, sau khi có nghề trong tay, Hòa về thị trấn Đức An làm thuê cho một cửa hàng kỹ nghệ sắt và được chủ cửa hàng nhận làm em nuôi. Hòa được chỉ dạy nhiều điều hay, chăm chỉ làm việc, sống hòa đồng biết trên biết dưới. Thế nhưng, cái tuổi của Hòa vốn là nông nổi, suy nghĩ còn cạn, nên trước mỗi việc làm chưa nghĩ tới hậu quả.

Vào năm 2011, sau cuộc nhậu với bạn bè, một người bạn của Hòa chạy xe ngang qua đầu xe khách và bị người phụ xe dọa nạt. Lúc này, Hòa có hơi men trong người, thấy bạn bị chửi, máu nóng nổi lên, cả đám kéo nhau xông vào đòi đánh phụ xe. Lúc đó, phụ xe chạy vào xe, đóng cửa lại, nên Hòa cùng bạn cầm đá đập vào xe.

Sau đó, Hòa bị công an bắt, khởi tố và tòa xử phạt 9 tháng tù giam vì tội phá hoại tài sản của người khác và đó là cái giá phải trả cho một phút nông nổi của tuổi mới lớn. Hòa cho biết: "Vào tù, tôi suy nghĩ về việc làm của mình rất nhiều. Nhiều lúc nghĩ, nếu như mình có một gia đình trọn vẹn, được tiếp nhận giáo dục những điều hay lẽ phải, được che chở những lúc cần thì có sai lầm hay không. Nhưng rồi tôi thấy, cái sai là do mình, mình đã hành động thiếu suy nghĩ và cảm thấy còn may mắn khi không gây thương tích cho người khác".

Hiểu được nguyên nhân dẫn đến sai lầm, Hòa không đổ lỗi cho số phận mà luôn cố gắng lao động cải tạo tốt để khi ra tù sẽ làm việc có ích hơn. Ở trong tù, mỗi buổi tối, Hòa đều suy nghĩ ra khỏi đây mình sẽ làm gì, tiếp tục việc cũ, nơi cũ hay tìm việc mới, rồi liệu anh chị nuôi còn tiếp nhận mình không? Khi Hòa quyết định sẽ tìm nghề mới để sống thì Hòa được một giám thị khuyên nhủ "vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó". Và câu nói này đã trở thành động lực để Hòa gắn bó với nghề sắt và có một tương lai như hiện nay.

ADQuảng cáo

Làm lại cuộc đời từ nghề sắt

Mãn hạn tù, Hòa về lại nhà anh chị nuôi tiếp tục làm nghề sắt. Thấy Hòa về, bà con lối xóm vui mừng và luôn động viên cố gắng làm lại cuộc đời. Làm với anh chị một thời gian, Hòa nghĩ, nếu cứ được bảo bọc thì biết bao giờ mới trưởng thành. Hơn nữa, anh chị luôn lo lắng, sợ Hòa ra ngoài làm ăn một mình sẽ dễ bị bạn bè lôi kéo, nên không yên tâm.

Tuy nhiên, vì muốn có trách nhiệm với bản thân và chứng minh cho anh chị thấy, mình sẽ không phạm tiếp sai lầm, năm 2016, Hòa quyết định mở xưởng riêng mang tên “Kỹ nghệ sắt Nguyễn Hòa”. Với vỏn vẹn chưa đầy 20 triệu đồng vốn trong tay, Hòa đã vay mượn thêm nhiều nơi để mở tiệm, mua máy móc phục vụ công việc. Còn vật liệu thì công ty cho cung ứng đến cuối năm lấy một lần nên cũng đỡ lo phần nào. Do được tổ chức Đoàn thị trấn Đức An giúp đỡ, giới thiệu công trình, rồi nhiều người thương và tin tưởng, dần dần, cơ sở của Hòa được nhiều người biết đến. Cơ sở kỹ nghệ sắt của Hòa thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 4 thanh niên địa phương. Mỗi khi đi làm công trình hay đi đâu, thấy thanh niên không việc làm, Hòa đều gọi về làm cho mình, phần để học việc phần kiếm thu nhập. Hơn nữa, có việc làm sẽ hạn chế được ăn chơi và tránh xa các tệ nạn xấu.

Với đức tính chăm chỉ, mỗi tháng trời mưa, ít việc, trừ chi phí Hòa thu được 15 triệu đồng, tháng nhiều thì hơn 30 triệu đồng. Ý thức được việc kiếm đồng tiền không dễ, nên khi có tiền, Hòa đều tính toán, dự trù chi tiêu để tích cóp làm những việc khác. Bây giờ, Hòa không chỉ trả xong hết các khoản vay mở tiệm mà còn gom góp mua được một mảnh đất do chính mình làm chủ và dự kiến sẽ xây nhà, mở xưởng để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng.

Công việc ổn định, mọi người sẻ chia là động lực để Nguyễn Khắc Hòa hòa nhập cộng đồng, trở thành Bí thư chi đoàn gương mẫu của Đoàn thị trấn Đức An

Bí thư chi đoàn gương mẫu

Sau khi về địa phương, được cán bộ Đoàn thị trấn Đức An vận động, Hòa trở thành thành viên rất tích cực trong các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội. Hòa sinh hoạt đoàn rất nghiêm túc, năng nổ. Hàng năm, Hòa đều được nhận giấy khen của Đoàn thị trấn Đức An. Sau đó, Hòa được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn rồi Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố 1. Từ đây, trong vai trò “thủ lĩnh”, Hòa càng cố gắng phát huy vai trò gương mẫu, luôn xung kích trong lập thân, lập nghiệp và hoạt động đoàn, làm gương cho các bạn trẻ khác noi theo. Hòa còn được xem là một “nhà tài trợ” của các giải văn nghệ, bóng đá của các bạn trẻ trong vùng.

Hiện nay, Hòa còn là thành viên nòng cốt của Đội Thanh niên tình nguyện "Thắp sáng niềm tin” của Đoàn thị trấn Đức An. "Tôi từng mắc sai lầm và đứng dậy từ sai lầm, nên khi bản thân đi vận động những thanh niên hư hỏng, chậm tiến, lầm lỗi hòa nhập cộng đồng luôn được tin tưởng, nói các bạn cũng nghe. Hơn nữa, để thanh niên tin tưởng thì tôi cũng luôn cố gắng chứng minh cho các bạn thấy, không ai muốn sai lầm, nhưng khi đã mắc sai lầm thì phải biết đứng dậy, xem đó là bài học để sau này không tái phạm nữa, nhất là chứng minh cho mọi người thấy mình vẫn có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, Hòa cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấp ngã ở đâu đứng dậy ở đó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO