Mặc dù đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay, huyện Tuy Đức vẫn chưa có đoạn đường giao thông nông thôn nào được bê tông hóa...
Mặc dù đề án bê tông hóa giao thông nông
thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn tỉnh được
triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay, huyện Tuy Đức vẫn chưa có đoạn đường
giao thông nông thôn nào được bê tông hóa. Theo ông Trương Đức Tuấn, Trưởng
phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy Đức thì trên toàn huyện hiện có gần 80 km đường
giao thông nông thôn, nhưng đến nay chỉ có hơn 21 km được nhựa hóa theo Chương
trình 135 của Chính phủ, số còn lại vẫn đang là đường đất.
 |
Hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn tại huyện Tuy Đức vẫn chưa
được bê tông hóa
|
Trở ngại lớn nhất mà huyện gặp phải trong
quá trình thực hiện vẫn là do đời sống của người dân tại địa phương còn thấp,
mật độ dân cư lại thưa thớt nên khó vận động người dân góp công, góp của để xây
dựng đường giao thông. Một nguyên nhân khác nữa là nhiều hộ dân trên địa bàn
đến nay vẫn còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương vẫn chưa quyết
liệt, chỉ mang tính hình thức… Ông Nguyễn Thành Tuân, Chủ tịch UBND xã Đắk
R’tíh cho biết: “Những năm qua, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền cho người
dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thực hiện đề án này. Mặc dù đại đa số
người dân đồng tình với chủ trương này nhưng đến khi chính quyền xã tổ chức họp
dân để bàn bạc và thống nhất mức đóng góp thì hầu hết bà con đều “im re”. Sở dĩ
vậy, một mặt là do đời sống của bà con còn khó khăn nên việc phải đóng một
khoản tiền để làm đường cũng được bà con cân nhắc kĩ. Mặt khác, khi trong thôn,
buôn có một vài hộ không tự nguyện đóng góp, hay không đồng tình với chủ trương
này thì tất cả các hộ khác cũng không chịu đóng góp. Mà đây là một chương trình
xã hội hóa nên người dân phải đồng thuận hoàn toàn với chủ trương, tự nguyện
đóng góp kinh phí, còn nếu không có sự đóng góp của bà con thì chính quyền địa
phương cũng không thể làm được gì”.
Cũng theo ông Trương Đức Tuấn thì mặc dù
đời sống bà con còn gặp khó khăn, nhưng trong thời gian tới, bằng nhiều biện
pháp quyết liệt hơn, huyện sẽ phấn đấu bê tông hóa một số km đường. Cụ thể,
trong năm 2011, huyện sẽ chọn xã Quảng Tân để thực hiện thí điểm đề án này, từ
đó, làm điển hình cho các xã khác làm theo. Đối với những xã đăng kí trước thì
huyện sẽ tiến hành phân bổ kinh phí, cũng như cử cán bộ của huyện trực tiếp về
hướng dẫn kĩ thuật cho bà con trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, để hạn chế
tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một số bộ phận đồng bào
thì công tác tuyên truyền, vận động sẽ được huyện chỉ đạo quyết liệt và sâu sát
hơn.
Bài, ảnh:
Nguyễn Lương

4,224