Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông

Phan Tuấn| 20/01/2016 10:06

Trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 350 vụ TNGT làm chết 393 người, bị thương 164 người; so với 5 năm trước giảm 79 vụ, 112 người chết, 33 người bị thương. Phân tích các vụ TNGT cho thấy, 90% nguyên nhân là do lỗi của người tham gia giao thông, còn nguyên nhân về hạ tầng và phương tiện kỹ thuật chỉ chiếm không quá 2%.

ADQuảng cáo

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 5 năm qua (2011-2015), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với các năm trước. Tuy nhiên, tình trạng người dân vi phạm pháp luật giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Tại các vùng quê, nhiều em nhỏ chân còn chưa chống đến đất đã điều khiển xe gắn máy chở thêm bạn bè, rất nguy hiểm

Theo thống kê, trong 5 năm qua, lực lượng chức năng  trên toàn tỉnh đã lập biên bản 284.036 trường hợp vi phạm luật Giao thông đường bộ. Điều đáng nói là số lần vi phạm năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Chỉ riêng như năm 2015, số vụ vi phạm tăng hơn 34,4% so với năm 2014 (61.003/46.416 vụ).

Tình trạng vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông chủ yếu tập trung trên tuyến quốc lộ 14 và các trung tâm thị trấn, thị xã… Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Vi phạm về tốc độ 52,4%; không đội mũ bảo hiểm 16,8%; nồng độ cồn 4,86%; đi không đúng phần đường, làn đường 2,75%. Trong đó, người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy vi phạm chiếm 80,2% trong tổng số vụ việc vi phạm bị xử lý.

Đơn cử như tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), qua quan sát, đa phần người dân ở đây khi tham gia giao thông bằng xe máy trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay đường liên thôn… ít chú ý đến việc chấp hành pháp luật giao thông đường bộ.

Trong đó, các lỗi mà người dân vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Ngay cả những em nhỏ đang trong độ tuổi học sinh, nhiều em chân còn chưa chống được đến đất nhưng đã tự mình điều khiển xe gắn máy chở thêm cả bạn bè, em nhỏ, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

ADQuảng cáo

Còn tại thị xã Gia Nghĩa, thời gian qua, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật giao thông đường bộ cũng khá phổ biến, nhất là trong độ tuổi học sinh. Tại các trường học THPT thường xuyên có nhiều em học sinh sử dụng xe mô tô phân khối lớn để đến trường, nhiều em không đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định...

Theo đánh giá, sở dĩ còn xảy ra tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, chỉ mới dừng lại ở một số chủ trương lớn, đợt cao điểm và nội dung tuyên truyền cũng chưa sát với thực tế. Về mặt hình thức tuyên truyền còn thiếu tính sáng tạo, chưa thực sự tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Hiện nay, vẫn còn một số cơ quan, ban ngành chưa vào cuộc quyết liệt đối với công tác bảo đảm ATGT mà chủ yếu chỉ có lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông…

Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm thì mặc dù đã có nhiều cố gắng,  nhưng do lực lượng mỏng lại thiếu các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu công tác nên còn nhiều lỗi vi phạm chưa được phát hiện và xử lý triệt để như chở quá tải, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn…

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trước tình trạng trên thì cần phải tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân để nắm vững và tự giác chấp hành mỗi khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương cần xem công tác tuyên truyền là giải pháp lâu dài, có tính quyết định, tiến tới giảm dần TNGT và xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.

Mặt khác, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông cần được đánh giá toàn diện, trước mắt là tổ chức kiểm tra, khảo sát việc tổ chức giao thông trên tuyến quốc lộ 14 và khu vực thị xã, thị trấn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Sở Giao thông-Vận tải, Công an tỉnh cần có các biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng thì bản thân mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật giao thông, xem đó là trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân mình và mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO