Cảnh báo bạo lực học đường, vô cảm của học sinh

Hiền Ny| 29/09/2017 09:26

Mới đây, mạng xã hội facebook “nóng” bởi một clip dài hơn 8 phút về một nữ sinh ở xã Nâm Nung (Krông Nô) bị các bạn nữ khác đánh hội đồng. Đây chỉ là một trong nhiều vụ đánh nhau của học sinh, được quay clip tung lên mạng.

ADQuảng cáo

Xuất hiện nhiều clip bạo lực

Do mâu thuẫn từ trước, em Bùi Thị Phương T, học sinh một trường THCS trên địa bàn xã Nâm Nung đã bị một nhóm học sinh do Trần Thị Xuân N cầm đầu đánh đập, chửi bới. Theo dõi clip cho thấy, T bị N đánh, đá, giật tóc, tát rất dã man trong cái nhìn thờ ơ, thậm chí cổ xúy của nhiều học sinh khác.

Nguyên nhân của việc đánh nhau là do em T không “biết điều” nên cần được “dạy dỗ”. Sự việc chỉ kết thúc khi mẹ của T phát hiện con mình bị đánh nên ra can ngăn, bênh vực. Gia đình sau đó đã báo công an để điều tra làm rõ vụ việc. Được biết, vụ đánh nhau xảy ra vào cuối năm học 2016-2017, đến tháng 8/2017, đoạn clip đánh nhau trên được tung lên mạng xã hội và trở thành đề tài bàn tán của nhiều người.

Trước đó, vào tháng 4/2017, trên mạng xã hội cũng xuất hiện đoạn clip về một nhóm học sinh nữ lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đánh nhau. Theo đó, chiều ngày 1/4, nhóm 7 em nữ đã hẹn em Nguyễn Thị Thảo N ra sân bóng kế bên sân trường để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, một số em đã tát, túm tóc, bắt N quỳ xuống xin lỗi một bạn trong nhóm. Toàn bộ sự việc được một em trong nhóm quay lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Các em vốn là nhóm bạn thân nhưng chỉ có một số xích mích nhỏ, nên đã không chơi với nhau và xảy ra đánh nhau.

Theo thầy Hoàng Viết Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Đắk Mil), ở lứa tuổi dậy thì, các em học sinh thường có tâm sinh lý bất ổn, hay bị kích động. Các em học sinh hay có xu hướng chơi thành nhóm, việc đố kị, ganh ghét nhau trở thành nguyên nhân xung đột. Nếu không được uốn nắn, giải quyết kịp thời, dễ dẫn tới việc các em đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, nhất là với các em nữ sinh.

Thờ ơ, vô cảm

ADQuảng cáo

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cộng đồng mạng dễ dàng chứng kiến nhiều chuyện đau lòng khi các em học sinh đánh đập, chửi bới nhau, các học sinh khác, em thì thờ ơ đừng nhìn, em thì cổ vũ, em thì quay clip tung lên mạng…Những đoạn clip trên được chia sẻ rầm rộ, tạo ra nhiều nguồn dư luận khác nhau. Nhưng hầu hết là thái độ bức xúc trước hành động đánh người dã man và ái ngại trước thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay.

Đáng buồn hơn, nhiều em học sinh chứng kiến bạn mình bị đánh vẫn có thể điềm nhiên quay clip, không một lời can ngăn, thậm chí còn cười nói, cổ vũ bạn bè đánh nhau. Hành động quay phim, chụp ảnh, cười đùa, hò hét kia không khác gì sự cổ vũ những kẻ đang đánh nhau có thêm phấn kích thực hiện hành vi đánh đập bạn mình.

Chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường diễn ra nhức nhối như hiện nay. Trong đó, nhiều nhất vẫn là học sinh THCS, THPT, lứa tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Cái tuổi “trẻ con chưa qua, người lớn chưa đến” nên một số em không giữ được sự bình tĩnh, thích chứng tỏ mình, hay bị kích động bởi bạn bè. Chỉ một cái nhìn, một câu nói vu vơ trên mạng xã hội, một sự đố kị hay những hờn ghen của tuổi mới lớn cũng trở thành nguyên nhân để các em ẩu đả nhau.

Những bạn trẻ xung quanh, khi thấy bạn mình đánh bạn thì đáng lẽ phải ra tay can ngăn, nhưng tâm lý sợ liên lụy, hay cho là chuyện người khác, không nên xen vào,... Thậm chí, một số bạn còn đứng xem, reo hò, quay clip tung lên mạng, trong khi các em sinh ra, lớn lên trên cùng địa bàn, học cùng trường và là bạn bè của nhau.

Giáo dục lòng nhân ái

Theo một giáo viên, xu hướng thần tượng, yêu sớm của các em nữ sinh cũng là nguyên nhân khiến các em đánh nhau do bị bạn nói xấu thần tượng của mình hay thậm chí là đánh ghen vì bị "tranh cướp" người yêu.

Câu chuyện bạo lực học đường, chuyện vô cảm của giới trẻ là hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn trong việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho các em. Cần lắm sự chung tay của toàn xã hội để giáo dục thế hệ trẻ sống có lòng nhân ái, không thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo bạo lực học đường, vô cảm của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO