Cô gái trẻ tạo ra sản phẩm OCCOP cho xã Đắk Lao

Đức Hùng| 01/01/2020 08:47

Táo bạo và đam mê, Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1993, ở thôn 8A, xã Đắk Lao (Đắk Mil) đã làm ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

ADQuảng cáo

Năm 2015, Nguyễn Thị Thu Hương tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường Đại học Saigontourist (TP. Hồ Chí Minh). Tuổi thơ của Hương ngoài việc đến trường, còn phụ gia đình chăm sóc, thu hoạch phê. Do đó, từ nhỏ Hương đã cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc của người trồng cà phê.

Pha chế công phu để có một ly cà phê ngon

Sau tốt nghiệp đại học, Hương làm việc cho một công ty sản xuất, rang xay cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình làm việc, Hương đã được tham gia rất nhiều khóa học về rang, xay, pha chế cà phê. Hương cũng được công ty chủ ý đào tạo để trở thành một chuyên gia pha chế, kiểm nếm cà phê. Vào các năm 2016 và 2017, Hương đã tham gia các cuộc thi pha chế cà phê chuyên nghiệp của Việt Nam và đều lọt vào top 12 thí sinh xuất sắc nhất.

Năm 2018, Hương quyết định xin nghỉ việc tại công ty rang, xay cà phê để về nhà bắt đầu khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Lúc mới về, Hương không được bố mẹ tin tưởng lắm, vì làm nông nghiệp vất vả, thu nhập lại thấp. Thế nhưng, bằng kế hoạch và cách làm nông nghiệp hiện đại, bài bản của mình, Hương đã thuyết phục được bố mẹ và còn được họ hỗ trợ vùng nguyên liệu gần 1 ha cà phê và vốn để bắt đầu khởi nghiệp. Cụ thể, Hương được bố mẹ đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở, mua máy rang xay, pha chế cà phê để sản xuất cà phê bột.

ADQuảng cáo

Sản phẩm cà phê bột do Hương sản xuất mang nhãn hiệu "Daklao coffee". Để có sản phẩm cà phê chất lượng, Hương đã mua nguyên liệu ở các nông trại sản xuất cà phê chất lượng hoặc những gia đình thu hái cà phê chín. Cùng với đó, Hương liên kết với các bạn trẻ trên địa bàn sản xuất cà phê sạch và đã xây dựng được vùng nguyên liệu 2 ha.

Ngoài sản xuất cà phê bột cung cấp cho thị trường, Hương còn mở thêm quán cà phê vừa để kinh doanh, vừa quảng bá cho sản phẩm "Daklao coffee". Tháng 8/2018, cơ sở sản xuất cà phê bột, kinh doanh cà phê giải khát của Hương được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tháng 9/2018, Hương gửi mẫu đến Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra các chất, kết quả 15 mục kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh. Sau gần 2 năm hoạt động, quán cà phê của Hương thu hút lượng khách khá đông, với số tượng khoảng 70 - 100 khách/ngày. Cà phê ở đây đều do Hương tự tay pha chế để phục vụ khách hàng.

Ông Lê Minh Tài, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, Đắk Mil cho biết, sản phẩm cà phê bột "Daklao coffee" của Hương đã được xã chọn là sản phẩm đặc trưng (OCCOP) của xã. Hiện nay xã đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ để trình gửi cơ quan chức năng đánh giá.

Sau thời gian pha chế, Hương nhận ra nguyên liệu quyết định 70% vị ngon của cà phê. Bắt tay làm nông nghiệp, Hương thay đổi quy trình sản xuất cà phê theo lối làm nông nghiệp mới, sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc sâu hóa học, thuốc diệt cỏ. Hương thu hái cà phê chín 100%. Cà phê sau thu hoạch được rửa sạch, lên men từ 28 - 42 giờ, và phơi nguyên hạt trên lưới để giữ độ thơm và ngon của cà phê.

Sau gần 2 năm từ lý thuyết đến trải nghiệm tại địa phương và nhận được kết quả tốt, Hương đang tiếp tục làm thử các mẫu mới, phát triển các công thức pha chế mới phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô gái trẻ tạo ra sản phẩm OCCOP cho xã Đắk Lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO