Giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ

Ngọc Lê| 14/04/2017 11:03

Việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để giáo dục truyền thống dân tộc cho các em học sinh, thế hệ trẻ ngày nay.

ADQuảng cáo

Để làm tốt công tác giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, nhiều trường học không chỉ đơn thuần tập trung giảng dạy qua những tiết học của môn Lịch sử, mà còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề... nhằm tăng tính hấp dẫn, đam mê cho các em học sinh.

Đơn cử như Trường THPT Đắk Song (Đắk Song), bên cạnh những giờ học trên lớp còn tổ chức cho học sinh đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh… Qua những hoạt động như vậy phần nào giúp các em hiểu rõ hơn về những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước.

Học sinh Trường THPT Đắk Song đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Nghê

Em Doãn Thị Hải Yến, học sinh lớp 12A8 bày tỏ: “Chúng em thường được các thầy, cô đưa đi thăm một số địa danh lịch sử ở địa phương, rồi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng và các cựu chiến binh nữa… Những kiến thức, sự cảm nhận từ những chuyến đi này giúp chúng em rất nhiều khi áp dụng vào các bài học trên lớp. Đặc biệt, những câu chuyện mà các bác cựu chiến binh kể về sự gian khổ trong chiến tranh luôn làm em xúc động và tự hào".

ADQuảng cáo

Tại Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa), trong các giờ học bộ môn Lịch sử, các lớp thường xuyên sử dụng các thiết bị như máy chiếu phim, ảnh tư liệu lịch sử, tạo sự sinh động, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ về lịch sử đất nước. Đặc biệt, vào những dịp cuối tuần hay những ngày lễ kỷ niệm của tỉnh, đất nước, trường còn tổ chức viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, kể chuyện, tuyên truyền cho các em biết được sự mất mát, hy sinh quá lớn của thế hệ cha anh đi trước.

Em Nguyễn Thị Diệu Linh, học sinh lớp 12A6 tâm sự: “Gia đình em cũng có người thân hy sinh trong chiến tranh nên em đã phần nào hiểu được những sự cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, sau những lần được tham gia dọn vệ sinh ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, chúng em càng hiểu rằng, thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, độc lập hôm nay, là nhờ có hàng triệu người con đất Việt đã hy sinh xương máu trong đấu tranh cách mạng".

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy bộ môn Lịch sử, cô Nghiêm Thị Hồng Nhung, Trường THPT Đắk Song chia sẻ đôi điều về cách giảng dạy của mình. Muốn học sinh hứng thú học Sử, giáo viên hãy tìm cách tạo ra không khí vui vẻ, hài hước trong giờ học. Không nên truyền đạt những kiến thức mang tính giáo điều mà giáo viên hãy truyền cảm hứng, đưa thông tin về các trận đánh, nhân vật lịch sử bằng các hình ảnh, đoạn video sinh động, dễ nhớ. Qua đó, các em phát huy tư duy bằng cách tự nói ra được những diễn biến và ý nghĩa của các dấu mốc lịch sử. Ngoài những giờ học chính khóa trên lớp, việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa rất cần thiết như tham quan các di tích lịch sử và bảo tàng. Thông qua mỗi hiện vật, hình ảnh, tài liệu trưng bày tại bảo tàng, di tích và những câu chuyện kể về danh nhân, tướng sĩ qua các thời kỳ, học sinh sẽ củng cố lại kiến thức, tạo hứng thú, yêu thích học lịch sử, đồng thời liên hệ đến thực tiễn về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Học sinh Trường THPT Đắk Song dọn dẹp vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Hiện nay, Sở đã ban hành bộ sách tài liệu địa phương và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Nội dung của bộ tài liệu này chủ yếu là tập trung giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa truyền thống, điều kiện tự nhiên, xã hội, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Nông. Thông qua môn học, học sinh phần nào hiểu được văn hóa, lịch sử, tiềm năng tự nhiên, xã hội của tỉnh. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có một chương trình khen thưởng dành riêng cho học sinh đạt giải cao ở bộ môn Lịch sử. Riêng tỉnh Đắk Nông, vừa qua cũng có một em học sinh đạt giải ba Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử sẽ được Sở tuyên dương trong thời gian sắp tới. Một điều đáng phấn khởi nữa, qua khảo sát, học sinh đăng ký thi bộ môn xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, trong đó có môn Lịch sử chiếm tỷ lệ khá cao. Qua đó cho thấy, học sinh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, đất nước".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO