Hai học sinh đam mê nghiên cứu khoa học

Nguyễn Hiền| 17/03/2017 09:39

Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPH năm học 2016-2017 mới đây, Đề tài “Thiết bị tự động gửi thông báo, xác định vị trí khi xe gặp sự cố tai nạn” của hai tác giả Tô Ngọc Duy và Cao Văn Thương, học sinh Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp) đã để lại nhiều ấn tượng đối với ban giám khảo cũng như tất cả học sinh tham gia.

ADQuảng cáo

Thương và Duy trình bày đề tài tại cuộc thi: khi xe đổ 2 phút không dựng lên sẽ có tin báo về điện thoại được đăng ký

Theo lời hai em kể, việc chọn đề tài để tham gia dự thi xuất phát từ một câu chuyện xảy ra đối với bác bảo vệ nhà trường. Vào năm 2016, khi bác bảo vệ tham gia giao thông trên đường bằng xe máy thì xảy ra va chạm với phương tiện khác. Khi bác bảo vệ bị thương nặng, những người xung quanh đã tìm cách liên hệ với người quen qua điện thoại của bác. Thế nhưng, hầu hết cuộc gọi đều vào số của những người bạn, người bà con ở xa. Khi nghe tin, những người được gọi đều bán tính bán nghi, còn người thân ở gần hầu như không biết. Khi bác bảo vệ vào bệnh viện, vợ con và nhà trường mới biết thì bác đã qua đời. Ai cũng cảm thấy tiếc nuối vì đã không biết được thông tin sớm hơn.

Câu chuyện ấy cứ day dứt và ở mãi trong tâm trí của hai bạn. Đến khi được phổ biến đăng ký đề tài để dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, hai bạn đã nghĩ ra ý tưởng làm một thiết bị có thể gắn vào phương tiện đi lại và có thể thông tin cho mọi người thân quen khi chủ phương tiện điều khiển xe gặp tai nạn. Với sự hỗ trợ của thầy giáo bộ môn Vật lý, hai bạn bắt đầu tiến hành các bước nghiên cứu.

Em Duy tâm sự: “Tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều, để lại nhiều hậu quả. Nhiều vụ rất khó khăn để xác định danh tính của người bị tai nạn. Chúng em đã phải mất hơn 3 tháng với hàng chục lần làm đi làm lại. Nhiều thiết bị khó tìm nên ban ngày đi học, buổi tối, chúng em phải tranh thủ xuống tận TP. Hồ Chí Minh mua mới có. Nếu không có sự kiên trì và đam mê chắc chúng em không thể hoàn thành được đề tài như bây giờ”.

ADQuảng cáo

Để tạo ra thiết bị, hai bạn đã dùng một modem cảm biến độ nghiêng SW 520D, một mạch Arduino-Uno, một mạch sim và một số thiết bị kết nối khác. Thiết bị được gắn trên xe của người tham gia giao thông. Khi xe gặp sự cố hoặc bị nghiêng đổ, sau 2 phút mà không được dựng lên thì mạch sim sẽ tự động gửi tin nhắn với nội dung “Xe của bạn gặp sự cố hoặc bị tai nạn” đến các số điện thoại được kết nối với thiết bị. Đồng thời, thiết bị sẽ gửi tiếp tọa độ của xe bằng đường link xác định vị trí của xe trên Google Maps.

Trong trường hợp xe không bị tai nạn mà bị lấy trộm, chủ phương tiện cũng có thể thông qua việc gửi một tin nhắn tới thiết bị, thiết bị sẽ gửi lại đường link cho biết vị trí của xe trên Google Maps nếu như sử dụng Smartphone.

Cũng theo cách này, nếu có một số tổng đài của cảnh sát giao thông mà tất cả các xe đều được gắn thiết bị này thì có thể nắm bắt được số vụ tai nạn xảy ra trong một ngày mà không cần đợi báo cáo từ các địa phương. Việc gửi thông báo hoàn toàn sử dụng mạng vệ tinh, chỉ cần điện thoại được đăng ký vẫn còn tiền trong tài khoản.

Với khả năng ứng dụng thực tiễn cao, đề tài của hai bạn Duy và Thương đã đạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPT năm học 2016-2017. Em Cao Văn Thương cho biết: “Để đạt được kết quả khi nghiên cứu đề tài, chúng em đã được nhà trường và giáo viên bộ môn hỗ trợ rất nhiều cả về thời gian lẫn kinh phí thực hiện. Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn và áp dụng rộng rãi đối với các phương tiện tham gia giao thông khác. Việc hoàn thành một bộ thiết bị như vậy cũng không mất quá nhiều chi phí nên chúng em rất hy vọng sau này bằng cách nào đó có thể nhân rộng để áp dụng được trong thực tế”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai học sinh đam mê nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO