Sân chơi khoa học bổ ích của giới trẻ

Vũ Trang| 28/10/2016 11:03

Được phát động từ tháng 3/2016, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Nông lần thứ II đã thu hút 485 mô hình, sản phẩm đăng ký dự thi ở 5 nhóm lĩnh vực và 3 nhóm tuổi. Sự nhiệt tình, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ đã góp phần tạo nên thành công, sức lan tỏa cho cuộc thi.

ADQuảng cáo

Lấy ý tưởng từ thực tế cuộc sống

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống, em Điểu Linh và Voòng Thị Hồng Hạnh, học sinh Trường phổ thông DTNT huyện Đắk R’lấp đã nảy ra ý tưởng về đề tài nghiên cứu ứng dụng của tinh dầu sả để điều chế sản phẩm phục vụ sinh hoạt.

Theo Điểu Linh thì vào mùa mưa, khu vực nơi em sinh sống thường có rất nhiều muỗi và bà con tìm rất nhiều cách khác nhau để đuổi muỗi. Riêng gia đình Điểu Linh, bố em thường cắt cây sả đặt ở một số nơi trong nhà vì mùi hương của sả có thể xua được muỗi. Từ đó, Điểu Linh đã nảy ra ý tưởng sử dụng sả, chanh để điều chế sữa tắm.

Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà trường và nỗ lực của bản thân, Linh và Hạnh đã tìm ra được công thức điều chế sữa tắm từ tinh dầu sả, chanh với công dụng kháng khuẩn, diệt nấm và đuổi muỗi. Sau khi đăng ký tham gia cuộc thi, sản phẩm được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải ba.

Điểu Linh cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng em tham gia cuộc thi, thực sự rất vui và bất ngờ khi sản phẩm của mình đạt giải thưởng và được đánh giá cao. Điều quan trọng là với sản phẩm này, chúng em mong muốn được đóng góp một phần công sức cho xã hội, nhất là cuộc sống của bà con trên địa bàn.  

Tương tự, cũng lấy ý tưởng từ thực tế, hai bạn Nguyễn Thanh Thiên và Võ Văn Hùng, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) áp dụng những kiến thức đã học để sáng tạo ra sản phẩm mang tính ứng dụng cao là “Gối thông minh phát hiện sốt ở trẻ em”. Sản phẩm đạt giải nhì cấp tỉnh và giải khuyến khích tại cuộc thi cấp quốc gia.

Thiên cho biết: Chiếc gối này có thể đo được thân nhiệt của trẻ qua đầu bằng thiết bị cảm biến, từ đó, cảnh báo với các bậc phụ huynh về việc trẻ bị sốt khi ngủ.

Còn đối với bạn Nguyễn Việt Trinh, học sinh Trường THPT Krông Nô (Krông Nô), tuy mới lần đầu tiên tham gia “đấu trường khoa học” cấp tỉnh, nhưng sản phẩm “Phanh điện từ” của Trinh đã được đánh giá khá cao. Sản phẩm đã đạt giải ba cuộc thi cấp tỉnh và giải ba cuộc thi cấp quốc gia.

Sản phẩm “Phanh điện từ” của bạn Nguyễn Việt Trinh, học sinh Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ XII

ADQuảng cáo

Trinh chia sẻ: Ngay từ cuối năm lớp 11, sau khi học xong chương trình về dòng diện Fu-cô, em đã nảy ra ý tưởng ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống và bắt đầu nghiên cứu về phanh điện từ. Với em, cuộc thi là một sân chơi lý thú và bổ ích. Ở đây, chúng em không chỉ được phát huy tư duy sáng tạo, mà còn được rèn luyện, trau dồi kỹ năng, ý thức sống vì cộng đồng.

Với 5 lĩnh vực của cuộc thi gồm: Đồ dùng học tập; Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; Phần mềm tin học, các “nhà khoa học nhí” đã khéo léo, tận dụng các phế liệu nhằm giảm thiểu chi phí nhưng vẫn không làm giảm tính năng, tác dụng.

Đơn cử như sản phẩm Hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tận dụng phế liệu của nhóm học sinh Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil); Máy sấy năng lượng mặt trời của nhóm học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Đắk Mil); Thùng rác thông minh của em Thi Minh Thắng, học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Đắk R’lấp); Thùng rác đa năng thân thiện làm từ túi nilon của nhóm học sinh Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (Đắk R’lấp)...

Vai trò người “truyền lửa”

Thực tế cho thấy, ngoài khả năng sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của bản thân, các “nhà khoa học nhí” luôn nhận được sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của gia đình, nhà trường, thầy, cô giáo để hoàn thành sản phẩm dự thi.

Đơn cử như Trường phổ thông DTNT huyện Đắk R’lấp, để tạo điều kiện cho học sinh thực hiện ý tưởng, trường đã bố trí 40m2 đất sau nhà ăn để trồng sả, chanh; đồng thời dành riêng một phòng thí nghiệm với các dụng cụ cần thiết để học sinh thực hiện việc chưng cất tinh dầu sả...

Thầy Võ Như Sơn, giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh làm sản phẩm “Sữa tắm từ tinh dầu sả chanh” nói: Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế,  nhưng trong điều kiện có thể, nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thực tế, qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy, cô giáo nhiệt tình, tích cực trong việc hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Tiêu biểu như cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (Đắk R’lấp) trực tiếp hướng dẫn 2 sản phẩm tham gia cuộc thi đều đạt giải là: “Đồ dùng và xiếc và chú hề đa tài” và “Thùng rác đa năng thân thiện làm từ túi nilon”. Hay cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản (Đắk Glong), trong 2 lần tham gia cuộc thi, cô Thủy đều trực tiếp hướng dẫn học sinh hoàn thành các sản phẩm dự thi...

Phát biểu tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi, đồng chí Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đạt được, các ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai những giải pháp nhằm nâng tầm “thương hiệu” cho cuộc thi, qua đó, tạo sân chơi khoa học thực sự lành mạnh, bổ ích và sáng tạo cho các bạn trẻ trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi khoa học bổ ích của giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO