Sống “ảo”- hậu quả thật

Vũ Trang| 09/09/2016 10:55

Hiện nay, vấn đề sống “ảo” của giới trẻ đang thu hút sự quan tâm của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đây có thể xem là hệ lụy của việc nghiện mạng xã hội, trò chơi điện tử hay truyện tranh…

ADQuảng cáo

Thực tế, không ít bạn trẻ hiện nay đang lao vào thế giới “ảo” một cách mù quáng, có thể vấp phải những hệ lụy khôn lường, không chỉ lãng phí về thời gian, tiền bạc mà còn làm thay đổi về tâm sinh lý và ảnh hưởng đến sức khỏe...

Nhiều bạn trẻ đang bị lôi kéo vào thế giới “ảo”

Lướt qua các trang mạng xã hội, nhiều hình ảnh, chia sẻ nếu không nhìn ở nhiều góc độ thì dễ làm chúng ta “choáng ngợp”. Song bao nhiêu người, bao nhiêu hình ảnh và sự việc trong đó là thật (?).

Đơn cử như trường hợp của bạn N.T.H ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). H vốn dĩ có nước da ngăm đen, thân mình mũm mĩm. Thế nhưng, trái ngược với thực tế, tất cả các hình ảnh H. đăng trên mạng xã hội đều “xinh lung linh” với làn da trắng, khuôn mặt chuẩn, đôi mắt to, hàng mi cong, cánh mũi thẳng... Nhiều bạn bè trên Facebook đều trầm trồ, khen ngợi.

Đến một ngày, bạn cùng lớp của H. đăng một tấm ảnh về ngoại hình thật của H. thì nhiều bạn bè lại quay ra nói xấu, chê bai, thậm chí tỏ ý thất vọng, hủy kết bạn vì cho rằng bản thân bị lừa dối. Điều này đã làm cho H. rơi vào trầm cảm, khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập.

H. tâm sự: “Nếu biết trước như vậy, mình sẽ không nói dối bạn bè với những hình ảnh không thật. Mình thấy rất buồn và hối hận”.

ADQuảng cáo

Còn theo bạn N.M.C, học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) thì các bạn trẻ hiện nay không chỉ có trào lưu chụp hình khoe dáng, khoe sắc đẹp mà còn khoe giàu, khoe sang, khoe người yêu..., trong khi thực tế lại khác xa so với những bức ảnh trên mạng. Nhiều bạn khoe khoang hào nhoáng bằng cách “mượn” hình ảnh về đồ vật của người khác rồi tự cho là của mình. Thậm chí, nhiều bạn nam còn lấy hình ảnh của một số bạn gái cùng trường rồi tự xưng là người yêu của mình. Nhiều bạn gái đã bị gia đình trách mắng, bạn bè chế giễu vì những trò đùa ấy.

Không chỉ sống “ảo”, bạn N.Đ.K ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) còn chạy theo trào lưu yêu người “ảo”. Sau mỗi giờ làm việc, thay bằng việc ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, K. lại ôm chiếc máy tính để lên mạng nói chuyện với người yêu “ảo”. K. tâm sự với người yêu “ảo” tất cả những buồn, vui trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi lần tâm sự, K. lại được an ủi, khuyên nhủ một cách chân thành. Sau một thời gian nói chuyện qua mạng, K. yêu người bạn gái trên mạng và muốn được gặp mặt, nhưng bị từ chối.

K chia sẻ: “Bạn ấy nói với tôi bạn ấy chỉ thích cuộc sống “ảo”. Ngoài tôi ra, bạn ấy còn yêu một vài người khác mỗi khi tôi không lên mạng. Tôi thực sự rất thất vọng, chán nản, mất niềm tin vào tình yêu”.

Bên cạnh mạng xã hội, trào lưu sống “ảo” cũng “dậy sóng” trong game online. Đặng Viết Phong ở phường Nghĩa Thành-một người gắn bó nhiều năm với game online chia sẻ: Khi chơi game, mình cảm thấy bản thân hoàn toàn là một người khác. Nhân vật trong game sống thay cho mình trong thế giới “ảo”. Ở đây, mình khẳng định bản thân bằng những lần thăng cấp, bằng những trang bị “khủng” làm đối thủ phải ngưỡng mộ. Thành công và tiếng tăm của nhân vật trong game cũng làm mình nổi tiếng hoặc ít nhất là có cảm giác hơn người khác. Những điều này, mình rất khó thực hiện ngoài đời thực.

Chị Nguyễn Thị  Hằng, một giáo viên dạy văn trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cho biết: Hiện nay, rất nhiều học sinh bị thay đổi tâm sinh lý đều xuất phát từ những thông tin trên mạng xã hội. Nguyên nhân là do các em quá chú trọng đến hình ảnh, thông tin từ mạng xã hội, thích thể hiện bản thân, hành vi để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế, chưa chuẩn bị tốt hành trang để đối phó với những tác động tiêu cực... Có những chuyện bên ngoài rất nhỏ nhặt, nhưng khi tung lên mạng lại trở thành trầm trọng. Chính vì vậy, mạng xã hội hiện nay không hề “ảo” như chúng ta vẫn nghĩ.  

Có thể thấy ngay tác hại trước mắt của việc sống “ảo” là các bạn trẻ dần mất đi những giá trị bản thân, giá trị đạo đức trong lúc tìm mọi cách để khẳng định mình. Về lâu dài, với phần lớn thời gian dành cho cuộc sống “ảo”, các bạn sẽ không biết định hướng cho bản thân mình về cuộc sống tương lai, lãng phí quá nhiều thời gian của tuổi trẻ. Ngoài ra, lối sống “ảo” còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe khi phải thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại...

Rõ ràng không thể cấm đoán, đi ngược xu thế phát triển chung của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhưng các bạn trẻ cần phải tỉnh táo, nâng cao nhận thức, rèn luyện khả năng lựa chọn thông tin để không lệ thuộc, không bị lôi kéo vào thế giới ảo mà xa rời cuộc sống thực. Một bạn trẻ đã bày tỏ: “Hãy thôi sống “ảo” và hướng bản thân ra đời thật nhiều hơn nữa. Có như vậy, bạn mới biết bản thân mình muốn gì và hoàn thiện ở đâu. Đừng để cuộc sống “ảo” làm thay đổi con người thật của bạn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống “ảo”- hậu quả thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO