"Sống ảo" - sự sa đà của một bộ phận giới trẻ

Đặng Hiền| 04/08/2017 10:03

Sống ảo” là một hiện tượng phổ biến, thậm chí trở thành trào lưu khi nhiều người trẻ dù ở bất cứ đâu cũng có thể chụp ảnh “tự sướng” rồi đăng mạng xã hội. Thực tế, việc “sống ảo” một cách quá đà, mù quáng khiến giới trẻ ngày càng xa rời với thực tại, ảo tưởng về bản thân, không chỉ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc mà còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường về tâm sinh lý, sức khỏe bản thân…

ADQuảng cáo

Hiện nay, không ít bạn trẻ chỉ biết “cắm mặt” vào điện thoại để lên facebook, zalo… đăng những dòng trạng thái, bày tỏ đầy đủ các cung bậc cảm xúc hàng ngày, hàng giờ. Với họ, việc đăng những suy nghĩ của bản thân trên thế giới ảo dễ dàng hơn nhiều so với ở cuộc sống thực vì không phải đối diện với người nghe, lại dễ dàng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo cộng đồng.

Bạn Hoàng P (Gia Nghĩa) ngày nào cũng lên mạng xã hội để trò chuyện với bạn bè, người thân ở xa, cũng như chia sẻ hình ảnh ăn uống, hội họp, đi chơi của mình. P cho biết: “Điện thoại tôi bị hư có mấy ngày, không thể lên mạng được là tôi cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu lắm. Tôi thấy mình như sắp bị tự kỉ đến nơi rồi, nên phải mượn 1 chiếc điện thoại của người quen để dùng tạm trong khi chờ sửa điện thoại. Sau những lúc học tập, làm việc căng thẳng, mệt mỏi, tôi cũng muốn có một góc ảo để được giải tỏa, tán gẫu với mọi người”.

Dạo quanh trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt hình ảnh “tự sướng” khoe dáng, khoe thân được chỉnh sửa quá đà bằng camera 360 độ; những dòng trạng thái khoe tiền bạc, sự giàu có; đưa hình thời trẻ so với bây giờ để chứng minh “dậy thì thành công” nhằm câu like. Không chỉ vậy, nhiều người còn nghiện selfie “cảnh nóng” nhằm thu hút người khác xem, chia sẻ, theo dõi trang cá nhân của mình.

Vì những cái like vô nghĩa, một thanh niên đã ra lời thách thức sẽ nhảy cầu 14 (Chư Jút). Ảnh: Facebook

ADQuảng cáo

Giá trị con người trên thế giới ảo dường như được đo đếm bằng những cái like, những dòng bình luận, những lượt chia sẻ thì những giá trị nhân văn thật sự đang dần bị lấn át dần. Ở đó, nhiều bạn trẻ đã chạy theo những điều phù phiếm, thậm chí bịa ra những thông tin ngông cuồng nhằm câu like, để nhiều người biết đến mình.

Dư luận cũng đã có thời gian dậy sóng, khi một nhóm thanh niên tại huyện Tuy Đức tung tin và hình ảnh về một vụ “giết người cướp tiêu” trên trang cá nhân của mình. Sau những lượt chia sẻ, bình luận, nhiều người nhận ra, đây chỉ là câu chuyện bịa đặt với những hình ảnh tự dàn dựng nhằm câu like. Họ đã vô cùng phẫn nộ và cảnh cáo những hậu quả có thể gặp phải vì hành vi tung tin đồn thất thiệt của nhóm thanh niên này. Bài viết sau đó đã nhanh chóng được gỡ xuống. Có lẽ đây cũng là bài học cho nhóm thanh niên này cũng như cho các bạn trẻ “cuồng like” một cách bất chấp.

Không chỉ tung thông tin thất thiệt, nhiều bạn trẻ còn “cuồng like” đến mức bất chấp danh dự, nhân phẩm, tính mạng bản thân để làm những điều điên rồ trong sự tung hê của cộng đồng. Trào lưu “Việt Nam nói là làm. Like là triển khai” đã khiến bao bạn trẻ mù quáng đưa ra lời thách thức, kêu gọi cộng đồng like cho mình như “đủ like sẽ đốt xe”, “đủ like sẽ không mặc quần áo chạy ngoài đường”, mù quáng hơn là “đủ like sẽ rạch tay, nhảy cầu tự tử, châm lửa đốt trường”… Từ những lời thách thức ấy, không ít bạn trẻ đã tự làm thương tổn chính mình vì những cái like vô nghĩa.

Phải thừa nhận, mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích, kết nối thông tin, những ứng dụng giải trí thú vị cho người dùng. Tuy nhiên, hội chứng “nghiện” facebook, cuồng “sống ảo” đang trở thành trực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay.

Trong khi đó, cuộc sống thật với bao nhiêu điều phải quan tâm, cần đến tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ vẫn luôn đang chờ các bạn trẻ thể hiện. Nơi đó, có những người yêu thương, quan tâm đến bạn bằng những hành động cụ thể nhất, chứ không phải bằng những cái like, những lời hỏi thăm sáo rỗng. Vì thế, các bạn trẻ hãy tỉnh táo để sử dụng dụng mạng xã hội một cách thông minh, tránh sa đà vào thế giới ảo một cách vô bổ, mà hãy dùng thời gian để học tập, rèn luyện, khẳng định bản thân bằng những giá trị đích thực, đừng chạy theo những giá trị ảo trên mạng xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sống ảo" - sự sa đà của một bộ phận giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO