Thanh niên và khởi nghiệp

Hoàng Hoài| 16/12/2016 11:09

Làm thế nào để thanh niên khởi nghiệp thành công là một trong những chủ đề được Đoàn thanh niên các tỉnh Tây Nguyên chia sẻ, thảo luận sôi nổi tại Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông mới đây.

ADQuảng cáo

Ở Đắk Lắk, vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được cụ thể hóa bằng hoạt động thành lập Quỹ Khởi nghiệp vào năm 2008. Với nhiều hình thức vận động khác nhau, đến nay, Quỹ đã có 163 triệu đồng để hỗ trợ thanh niên khó khăn, giàu nghị lực vươn lên khởi nghiệp, thoát nghèo, có ý tưởng, phương án kinh tế cụ thể. Các đề án được phê duyệt thường được vay từ 20-30 triệu đồng, không lãi suất trong 2 năm. Đến nay, 9/15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được Quỹ Khởi nghiệp với hơn 1 tỷ đồng, bước đầu góp phần giải quyết nhu cầu vốn khởi nghiệp cho thanh niên trên địa bàn.

Tỉnh đoàn Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế, điển hình là đối thoại trực tuyến, mời các chuyên gia có uy tín tư vấn, khởi nghiệp cho thanh niên và tổ chức ngày hội việc làm… Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức các Diễn đàn thanh niên nghĩ giàu, làm giàu nhằm chia sẻ kinh nghiệm vượt khó làm giàu, các ý tưởng kinh doanh của thanh niên với các diễn giả, doanh nhân thành đạt trong và ngoài tỉnh; tổ chức các ki ốt việc làm để giúp đoàn viên, thanh niên và các doanh nghiệp kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên. Gia Lai cũng phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2016 để lựa chọn những ý tưởng hay, sáng tạo để triển khai thực hiện.

Đại diện Đoàn Gia Lai trao đổi về vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên.

Cũng tại hội nghị, nhiều thanh niên điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của các tỉnh đã chia sẻ cách nghĩ, cách làm giàu của mình. Điển hình như anh Nguyễn Quốc Uy ở xã Đắk DjRăng, huyện Mang Yang (Gia Lai)-một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng nấm sạch. Bắt đầu từ 1 trại nấm chỉ cung cấp cho khu vực của xã, nay anh đã nhân rộng lên 9 trại với 4 loại nấm, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/tháng.

Đại diện Đoàn thanh niên 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đã thảo luận, chia sẻ một số giải pháp nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp có hiệu quả tại địa phương mình. Theo Tỉnh đoàn Lâm Đồng, trước hết các cấp đoàn cần phải tư vấn khởi nghiệp, kết nối các nguồn tài chính trong và ngoài ngân sách để thanh niên vay ưu đãi; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thông thoáng và tốt nhất để thanh niên khởi nghiệp; ra mắt và duy trì hiệu quả hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng như mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên.

ADQuảng cáo

Anh Rơ Ông Ha Xuân, một trong những thanh niên tôn giáo làm kinh tế giỏi của huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay, thanh niên tôn giáo nói riêng, thanh niên nói chung đang rất cần các nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, nhưng làm thế nào để giúp đỡ đúng người, đúng việc, phát huy hiệu quả thì không đơn giản.

Anh Rơ Ông Ha Xuân cho biết: “Xuất phát từ thực tế bản thân, tôi thấy, các cấp đoàn cần nắm chắc số lượng thanh niên dân tộc thiểu số, tôn giáo tại địa phương, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hoàn cảnh của từng người, từ đó có định hướng đúng đắn, giải pháp cụ thể để giúp đỡ. Đoàn cũng phải thực hiện theo phương châm “trao cái cần câu, dạy cách câu”, tuyệt đối không “cho con cá” để thực sự đồng hành với thanh niên tôn giáo khởi nghiệp”.

Theo Tỉnh đoàn Gia Lai thì các doanh nghiệp cần coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của thanh niên. Cùng với việc giáo dục ý thức tổ chức, kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề cho thanh niên cũng như có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp, các cấp đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy. Bởi nếu bản thân thanh niên không chịu thay đổi, tự “ru ngủ” mình thì việc giúp đỡ đều trở nên vô nghĩa.

Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khẳng định: Vấn đề khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp việc làm cho thanh niên là một trong những việc làm thường xuyên, liên tục, cấp thiết của các cấp đoàn. Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp thì một bộ phận thanh niên lại không chịu lao động. Điều này đòi hỏi các cấp đoàn, hội phải tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, nhất là làm cho thanh niên hiểu, muốn khởi nghiệp thành công thì trước hết phải năng động, chủ động, dám nghĩ, dám làm và cần phải có đủ ý chí, quyết tâm để làm giàu.

Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình Thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức ngày 16/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khuyên các bạn trẻ: “Thước đo của khởi nghiệp không phải là doanh thu, không thành công thì cũng không thể gọi đó là thất bại. Có thất bại thì mới có thành công. Những người có ước mơ khởi nghiệp là người có ước mơ hoài bão. Giới trẻ cần phải khởi nghiệp, bước chân vào khởi nghiệp là dám sống với ước mơ của mình. Hạnh phúc không chỉ là kiếm được nhiều tiền mà quan trọng hơn sức lan tỏa của họ tạo ra cho xã hội và toàn thế giới. Dám sống đến cùng, thực hiện đến cùng những đam mê đó. Chính vì vậy muốn đam mê phải biết vượt qua thách thức”.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên và khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO