Thỏa niềm đam mê sáo trúc

Mỹ Hằng| 26/05/2017 09:03

Tại Liên hoan văn nghệ các câu lạc bộ người cao tuổi tỉnh Đắk Nông năm 2017 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức mới đây, tiết mục độc tấu sáo “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” của thí sinh trẻ tuổi Trần Văn Hào (SN 1998) ở thôn Tân Bình, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) đã chiếm được cảm tình của Ban giám khảo và khán giả.

ADQuảng cáo

Sở dĩ Hào có mặt tại liên hoan dành cho người cao tuổi này một phần là được mời tham dự, một phần là thành viên tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Đàn hát dân ca phường Nghĩa Tân từ mấy năm qua.

Tiết mục "Tiếng sáo giữa rừng Pắc Bó" do Trần Văn Hào biểu diễn đong đầy cảm xúc

Trong không gian tĩnh lặng, tiếng sáo du dương nhắc lại những kỷ niệm của Bác Hồ khi đang hoạt động ở rừng Pắc Bó để lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân đi theo cách mạng và tình cảm của người dân đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Quá khứ, hiện tại hòa quyện vào nhau và hình ảnh của Bác hiện lên qua giai điệu thật gần gũi, thân thương. Chỉ với cây sáo trúc và lối diễn tự nhiên, truyền cảm, tiết mục đã lay động trái tim của khán giả.

Theo lời Hào kể, hồi nhỏ thường được nghe những bản sáo trên đài phát thanh nên thích lắm và ước mơ sau này mình được cầm cây sáo để thổi. Dành dụm được ít tiền, Hào liền đi mua một cây sáo và mày mò học cách thổi những bài hát đơn giản. Vậy là cây sáo trở thành người bạn thân thiết từ ngày ấy và sau những giờ học, lúc rảnh rỗi, Hào lại bầu bạn với cây sáo.

ADQuảng cáo

Năm 2015, Câu lạc bộ Sáo trúc Đắk Nông được thành lập và Hào đã đăng ký tham gia sinh hoạt. Tại đây, dưới sự chỉ bảo của các anh chị đi trước cùng với niềm đam mê, Hào đã học được thêm các kỹ thuật như cách cầm, cách thổi cũng như hệ bấm và thanh âm. Ngoài việc sử dụng thành thạo các loại sáo trúc, Hào còn chơi ghitar khá hay.

Tại các hội thi như Âm nhạc đường phố, Tiếng hát Hoa phượng đỏ khối THPT, liên hoan văn nghệ do xã, phường tổ chức, Hào đều hăng hái tham gia góp sức và tiếng sáo ngày càng được nhiều người biết đến. Thể loại mà Hào hay chơi là nhạc cách mạng và những bài hát viết về Bác Hồ.

Theo Hào, học sáo không khó nhưng đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, không nóng vội. Có nhiều loại sáo khác nhau, mỗi loại sáo cho ra một thanh âm đặc trưng riêng và phù hợp với từng giai điệu, thể loại nhạc gồm: sáo đô, sáo si, sáo son trầm, sáo dọc, sáo mèo, sáo ngang… Người chơi cần hiểu từng “gu” và “tông” nhạc mà chọn sáo cho phù hợp.

Để có thể thuần thục được kỹ năng như ngày hôm nay, tất cả hầu như đều tự học. Bắt đầu từ các bài thổi đơn giản trên internet, sau đó là bản thân tham khảo tại các diễn đàn hoặc những người có cùng niềm đam mê sở thích với mình. Đặc biệt, để thực hiện những bài sáo giàu cảm xúc, bản thân người thổi phải tìm tòi các kỹ thuật, hiểu về cao độ giữa nhạc nền với cao độ của cây sáo.

Hào cho biết: “Khi mỗi giai điệu được cất lên, với tôi đó không chỉ là âm thanh mà còn là niềm vui được thỏa mãn niềm đam mê. Do đó, khi thổi, người chơi phải luôn hòa mình vào giai điệu, đắm chìm vào bản nhạc và tâm hồn chỉ cho ta cách biểu đạt sao cho truyền cảm. Điều mà tôi mong muốn nhất đó là khơi gợi, duy trì loại nhạc cụ dân tộc này trong giới trẻ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa niềm đam mê sáo trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO