Tuổi trẻ chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Hoàng Hoài| 23/12/2016 10:03

Năm 2016, Tây Nguyên là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), thể hiện rõ nhất là tình trạng hạn hán kéo dài trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn tác động không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.

ADQuảng cáo

Các chiến sĩ trẻ Công an huyện Krông Nô và lực lượng dân quân tại chỗ cứu hộ người dân bị lũ lụt tại huyện Krông Nô tháng 11/2016. Ảnh: Văn Tâm

Trước đợt hạn hán lịch sử đó, cùng với các cấp, ngành và nhân dân, Đoàn Thanh niên 5 tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực để ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, cùng nhân dân vượt hạn.

Đơn cử như ở Lâm Đồng, các cấp đoàn triển khai các công trình thanh niên gắn liền với việc trồng rừng và cây phân tán. Trong năm 2016, các cấp đoàn đã tổ chức trồng và chăm sóc hơn 10.000 cây xanh, nạo vét nhiều km kênh mương, thu gom rác thải… Riêng trong đợt hạn hán vừa qua, 3 tháng liên tục, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã phối hợp cứu trợ đưa nước về cho bà con vùng hạn.

Tỉnh đoàn Kon Tum thì đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục cho ĐVTN, người dân thay đổi hành vi trong các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình giáo dục kỹ năng ứng phó với BĐKH. Cùng với việc thành lập Đội thanh niên xung kích ứng phó với BĐKH, các cấp đoàn còn vận động ĐVTN và nhân dân ở khu vực nông thôn đăng ký đảm nhận trồng và bảo vệ rừng, nguồn nước, dòng sông quê hương.

Cùng với việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường học, trạm xá, bệnh viện, chợ, khơi thông dòng chảy kênh mương nội đồng, làm sạch đường làng, ngõ xóm, ĐVTN còn giúp người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi, hạn chế thải túi ni lông ra môi trường. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Kon Tum còn triển khai mô hình “Văn phòng xanh” trong thanh niên công chức, viên chức, công nhân…

ADQuảng cáo

Tỉnh đoàn Gia Lai thì tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch thanh niên tham gia chống hạn hán tại làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. ĐVTN trong tỉnh còn trực tiếp khảo sát và nắm bắt tình hình tại các xã bị hạn hán nặng và định hướng một số giải pháp chống hạn, hỗ trợ nhân dân trong lúc khó khăn. Tỉnh đoàn phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tặng 150 suất quà, 50 bồn chứa nước cho bà con và tổ chức làm các bồn lọc nước bằng phương pháp dân gian giúp lọc nước sạch hơn tại các vùng có nguồn nước hạn chế và bị ô nhiễm. ĐVTN còn đóng góp, ủng hộ trên 275 triệu đồng, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, mì gói… cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Các cấp đoàn tỉnh Đắk Nông thì phối hợp tổ chức các hoạt động bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ chống đói cho người nghèo, khắc phục thiếu đói giáp hạt. Bên cạnh đó, các cấp đoàn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức gần 60 đợt ra quân bảo vệ môi trường, thu hút gần 4.000 ĐVTN tham gia. 79 đội hình thanh niên tình nguyện ra quân thu gom, xử lý rác thải, nạo vét 100 km kênh mương thủy lợi nội đồng và trồng 34.000 cây xanh các loại, phát quang 7km đường giao thông nông thôn…

Theo dự báo, thời gian tới, BĐKH ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp. Và tuổi trẻ cần làm gì để chung tay ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường là câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm tại Diễn đàn Tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với hạn hán và BĐKH Cụm Tây Nguyên năm 2016 do Trung ương Đoàn tổ chức tại tỉnh Đắk Nông mới đây.

Theo Thạc sĩ Đào Ngọc Ninh, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi thì để ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, các cấp đoàn cần chọn lựa, làm những việc vừa sức, phù hợp, chú trọng thiết kế hành động phù hợp với nhu cầu người dân tại chỗ, không làm hình thức. Các cấp đoàn cần thảo luận, lựa chọn những mô hình sinh kế phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện, tình hình địa phương để thu hút mọi người dân tham gia, nhất là những khu vực thường xuyên chịu tác động của BĐKH, hạn hán, thiên tai. Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi không chỉ trong ĐVTN mà cả người dân về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, chủ động phòng chống thiên tai, hạn hán cũng là một trong những việc làm quan trọng.

Để làm được điều này, cán bộ đoàn cần tìm hiểu kỹ càng về điều kiện thiên nhiên, đặc thù của mỗi vùng, nguyên nhân dẫn đến hạn hán, lũ lụt cũng như xây dựng giải pháp hữu ích để người dân hiểu và thực hiện. Trong đó, cần xác định việc cần làm trước, việc nào cần làm lâu dài trong và sau lũ, hạn hán. Ngoài ra, các cấp đoàn cần vận động ĐVTN tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi, phát triển bền vững; trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, dòng sông quê hương; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuổi trẻ chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO