Xây dựng ý thức tiết kiệm

Hoàng Bảo| 23/03/2018 10:04

Thời gian gần đây, tiết kiệm đã trở thành thói quen của nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ. Việc tiết kiệm cũng được thực hiện với nhiều loại hình đa dạng khác nhau nhằm phù hợp với từng đối tượng.

ADQuảng cáo

Nhiều năm đi làm, bạn Lê Thị Thu Hiền ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) luôn nuôi một con “heo đất” để tiết kiệm. Trước đây, “heo đất” là vật để chị tiết kiệm 5-10 ngàn dư khi đi chợ về bỏ vào. Số tiền tiết kiệm được kéo dài qua nhiều năm và được chị sử dụng để mua những vật dụng, đồ dùng mình yêu thích. Bây giờ, bên cạnh tiết kiệm những đồng tiền lẻ khi đi chợ, chị Hiền tiết kiệm thêm những khoản tiền nho nhỏ được thưởng trong các dịp lễ, tết và để riêng ra đóng bảo hiểm cho con.

Thu Hiền cho biết: “Mình làm công nhân, số tiền hàng tháng tính trước, tính sau cũng chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt gia đình, nên nhiều lúc cần tiền đóng khoản gì đó lớn là rất khó. Vì vậy, mình mới chia ra nhiều cách tiết kiệm, như đối với “heo đất” đựng tiền lẻ, cả gia đình cùng góp vào. Mỗi khi con làm việc gì đó, mình sẽ trả công một món tiền nho nhỏ để khuyến khích con làm việc nhà và có tiền “nuôi heo”. Rồi những lúc đi chợ, mình lại dành dụm ít tiền lẻ để bỏ vào. Khi nào “heo đất” đầy, cả nhà ngồi lại để cùng xem thành quả tích cóp và mỗi người sẽ nêu lên dự định sử dụng số tiền như thế nào rồi thảo luận. Việc này có ý nghĩa giáo dục con cái rất lớn, bởi sau một thời gian dài dành dụm, các con biết quý trọng đồng tiền và có cách sử dụng đúng mục đích”.

Không chỉ duy trì việc nuôi "heo đất", Trần Thúy Hằng ở phường Nghĩa Trung còn tiết kiệm qua ngân hàng để phòng những lúc cần.

ADQuảng cáo

Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, bạn Trần Thúy Hằng ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) có thời điểm suy nghĩ, chi tiêu còn chưa đủ, nên để có dư một khoản tiền phòng thân là điều rất khó. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu các loại hình tiết kiệm an toàn, nhất là “khuất mắt” của mình, Hằng tham gia tiết kiệm tại ngân hàng. Theo định kỳ, mỗi tháng khi có lương, ngân hàng sẽ tự động trừ tài khoản tích lũy cho chị 300.000 đồng. Thúy Hằng cho biết: “Với nhiều người vài trăm ngàn đồng một tháng không đáng là bao, nhưng với gia đình tôi là một sự cố gắng lớn. Tiết kiệm theo kiểu “heo đất”, tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng nhiều lúc kẹt tiền là dễ dàng lấy ra, nên cũng không còn. Do đó, tôi chọn hình thức tiết kiệm tại ngân hàng để được lâu dài, bền vững hơn, mỗi năm cũng được vài triệu đồng. Khi nào lương tăng thì tôi lại nâng mức tiết kiệm lên để có chút tích cóp phòng thân”.

Nhiều bạn trẻ khác không lựa chọn những hình thức tiết kiệm trên thì lại rủ nhau theo nhóm nhỏ để chơi hụi. Mỗi nhóm sẽ khoảng từ 5-10 người, mỗi người từ vài trăm ngàn trở lên, dựa trên mức thu nhập của mình để đóng. Với hình thức này, mỗi khi hốt hụi, các bạn sẽ có một số tiền kha khá để thực hiện dự định của mình. Đây là hình thức tiết kiệm được nhiều bạn trẻ thuộc dân công sở lựa chọn. Bạn Nguyễn Thùy Dung, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Chơi hụi có nhiều dạng, nhưng tụi mình chơi chủ yếu trong cơ quan với nhau. Ở đây, tụi mình chơi không có tiền lời mà chủ yếu giúp nhau là chính”.

Có những khu dân cư, một năm 12 tháng thì có 12 hộ gia đình trẻ chơi theo hình thức mỗi tháng 1 triệu đồng, trong đó ưu tiên hộ nào khó khăn lấy trước. Đối với các bạn ở xa, cuối năm lãnh số tiền này là dịp để mua quà, sắm tết cho ông bà, cha mẹ, mừng tuổi cho em, cháu trong gia đình. Không những vậy, nhiều bạn trẻ lại dùng số tiền tiết kiệm được để ủng hộ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, xem đó là nghĩa cử cao đẹp, giúp nhau trong cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ý thức tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO