Đại biểu Quốc hội, HĐND là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân

Tường Mạnh| 02/03/2021 10:03

Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân là phương hướng và là mục tiêu bao trùm trong hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nhà nước dân chủ Nhân dân do Nhân dân trực tiếp tổ chức, xây dựng thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Tổng tuyển cử là một quyền chính trị mà Nhân dân giành được qua đấu tranh cách mạng, là hình thức dân chủ, thể hiện năng lực thực hành dân chủ của Nhân dân.

Thông qua việc bầu Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp, Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và đại diện. Quyền lực tối cao của Nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp mà còn ở quyền bãi miễn, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu. Cơ chế dân chủ này làm cho Quốc hội, HĐND được trong sạch, giữ được phẩm chất, năng lực hoạt động. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.

Với vai trò làm chủ Nhà nước, thực hiện sự ủy quyền của Nhân dân, các đại biểu được bầu ra phải có trách nhiệm gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, bàn và giải quyết những vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh. Để thể hiện Nhân dân lao động làm chủ Nhà nước thì đại biểu do Nhân dân bầu ra phải có mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với Nhân dân. Thoát ly mối liên hệ này, Nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, trái với bản chất dân chủ đích thực vốn có của Nhà nước dân chủ kiểu mới.

Với vị trí, chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, HĐND chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND còn phải quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương.

Thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải luôn có nhiều cố gắng để thể hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, địa phương. Các lĩnh vực, vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền thì Quốc hội, HĐND đều phải tập trung xem xét, ban hành nghị quyết, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chính quyền để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cho đất nước, địa phương.

Điều 7, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.

Rõ ràng, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, khi được cử tri tín nhiệm, cần phải luôn có cái tâm, thật sự hiểu rõ những bức xúc, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân thì mới có thể đầu tư công sức, trí tuệ, đi sâu, đi sát tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề cũng như mạnh dạn phát biểu tại các diễn đàn Quốc hội, HĐND. Có như vậy, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mới thật sự nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội, HĐND là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO