Lời Bác dạy trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I

Nguyễn Xuyến| 20/04/2016 09:25

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thắng lợi, ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I.

Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu

Ngày 8/9/1945, Người ký Sắc Lệnh số 14 triệu tập Quốc dân Đại hội và quy định những nét lớn về tổ chức bầu cử Quốc hội.

Ngày 16/9/1945, Người chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh Tổng tuyển cử và ấn định ngày Tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945.

Để công việc chuẩn bị được chu đáo hơn, Hội đồng Chính phủ quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử.

Ngày 31/12/1945, báo Cứu quốc, số 130, có đăng trang trọng bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó..." .

Sáng ngày 5/1/1946, báo Cứu quốc, số 134, đã đăng " Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng..."

Chiều ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa) dự Lễ ra mắt các ứng cử viên trước đoàn thể nhân dân Hà Nội. Người đến sớm trước một giờ, thăm nơi ở và học tập của học sinh và có cuộc tiếp xúc không chính thức với quần chúng.

Mười lăm giờ, buổi lễ ra mắt mới bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt các ứng cử viên phát biểu ý kiến: "Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập...Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc về cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuột... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay".

Tiếp đó, Người quay sang phía ứng cử viên, nhắc nhủ: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung".

Hướng về các cử tri, Người thân mật căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện các quyền dân chủ ấy”.

Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô như sấm dậy. Đồng bào vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu luyến tiễn Người ra về.

Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên – Quốc hội lập hiến của nước Việt Nam – diễn ra trong cả nước, kể cả trong các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên… Hàng triệu cử tri của nước ta ghi lòng tạc dạ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ hởi, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ công dân của mình để lựa chọn những người đại diện thật xứng đáng trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Quốc hội khóa I do cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu ra, đã hội tụ các đại biểu của ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời Bác dạy trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO