Truyện ngắn: Cả nhà đi bầu cử

Đỗ Xuân Thu| 19/05/2016 10:40

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, không khí ngày hội của xã tưng bừng rộn rã hẳn lên. Pa-nô, áp phích khẩu hiểu chăng đầy đường.

Nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Mấy chiều nay, học sinh các trường học kéo thành từng đoàn đi cổ động. Tiếng trống ếch, tiếng hô khẩu hiệu vang lên náo động cả xóm làng. Đứa nào đứa ấy mặt mày hớn hở, quần áo đồng phục gọn gàng, rồng rắn nối đuôi nhau len lỏi vào cả những ngóc ngách của xóm.

Minh họa: Tân Hà

Vui nhất, đông nhất là những điểm bầu cử. Tại đây, không chỉ các ông, các bà trong tổ bầu cử xã tất bật mà cánh thanh niên chi đoàn sở tại cũng tất bật không kém. Mọi lần bầu cử trước, xã phải nhờ vào nhà của mấy ông bà trung tâm khu vực để đặt điểm bầu cử. Năm nay, thôn nào cũng có nhà văn hóa nên những thôn trung tâm các cụm được xã chọn đặt điểm bầu cử. Ông Khang, chủ hộ của điểm bầu cử ngày trước có vẻ buồn buồn vì chẳng còn điều vinh dự đó nữa. Trưởng thôn Lý đành vỗ vai ông Khang nói: “Việc đại sự quốc gia phải ra nơi công đường chứ. Với lại, kinh tế xã nhà đi lên, làng văn hóa, xã văn hóa, nông thôn mới rồi, được thế là mừng đấy ông ạ!”. Ông Khang cười cười: “Thì tôi có bảo sao đâu! Ngày 22/5, tôi sẽ huy động cả nhà đi bỏ phiếu sớm để được dự lễ khai mạc cho hoành tráng đấy”. Trưởng thôn Lý cười to: “Hoan hô bố! Có thế chứ!”.

Nói vậy nhưng trong bụng ông vẫn có cảm giác thiếu vắng một cái gì đó. Tiếng trống ếch, tiếng trẻ con hô khẩu hiệu, rồi tiếng loa đài từ nhà văn hóa thôn vọng lại khiến cho ông cảm thấy trong người nao nao.

Theo tiếng trống ếch, tiếng loa đài, ông rảo bước đến nhà văn hóa thôn. Mấy đứa thanh niên nhao nhao: “Chúng cháu chào cụ. Cụ đi bầu cử sớm thế?”. Tao ra kiểm tra tổ bầu cử. Chúng mày làm có đến nơi đến chốn không hay chỉ đùa? Cứ liệu cái thần hồn, trang trí cờ, hoa, khẩu hiệu mà không bằng nhà ông mọi lần thì...”. “Thì sao hả cụ?”, cái Hà tinh nghịch nhất cướp lời ông. “Thì cho mỗi đứa một roi chứ còn thế nào nữa”. Chúng cười ré lên và nắm tay nhau chạy đi.

Vẫn mấy ông bà “chuyên trách” trong tổ bầu cử mọi lần. Thấy ông, mọi người chào và tranh nhau kéo ông vào hội trường. Đón chén trà nóng từ tay trưởng thôn Lý, ông Khang chưa uống ngay mà đảo mắt quan sát một lượt xung quanh. Rộng rãi quá, hoành tráng quá. Năm gian hội trường kê chật bàn ghế. Phía bục kia căng chiếc phông mới toanh, đỏ rực cả căn phòng. Tượng Bác Hồ đặt nghiêm trang nổi bật dưới cờ Tổ quốc và tấm phông chính. Phía trước là cái bàn được trải khăn đỏ, bên trên là chiếc hòm phiếu dán giấy đỏ. Ngoài băng khẩu hiệu trên phông chính, hai bên hội trường còn chạy hai tấm băng rôn đỏ dài. Màu đỏ là gam màu chính của căn phòng khiến cho không khí nơi đây vừa trang nghiêm vừa ấm cúng.

Trưởng thôn Lý cười: “Bố thấy thế nào? Được chứ?”. Nhấp ngụm trà nóng, ông Khang nói: “Đẹp! Rất đẹp! Rất hoành tráng! Đúng là công sở có khác. Nhưng mà... chú mày phải chú ý cái cổng chào nữa đấy. Bộ mặt làng, xã hẳn hoi chứ đùa à”. Trưởng thôn Lý mãn nguyện: “Tất nhiên rồi. Bố khỏi lo. Không chỉ bộ mặt làng xã mà còn là bộ mặt quốc gia chứ bố. Quốc hội cơ mà. Bố yên tâm!”.

Ông Khang vui hẳn lên. Ông đứng dậy ra chỉ người nọ, nhắc nhở người kia. Họ vừa làm vừa tán chuyện vui. Chẳng như mọi lần trong các đám cưới, ông hay quát lũ trẻ mở đài be bé thôi, vừa vừa thôi, lần này ông đến bên Hồng - phụ trách đài điện nói: “Còn to nữa được không?”. Hồng ngơ ngác rồi chợt hiểu: “Được chứ ạ!”. “Thế thì vặn hết cỡ lên. Nối nhiều loa vào cho khí thế!”, ông Khang nhắc. Hồng khoái chí chỉnh volum hết vạch, đấu thêm hai cái loa nén nữa trên ngọn cây chõ về hai phía. “Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mười bốn”. Tiếng loa rành rọt vang lên. Ông Khang ngó lên hai chiếc loa, vuốt râu cười. Ông chỉ mong chóng đến ngày 22/5 để đi bầu cử.

Tạm biệt nhà văn hóa thôn, ông đến nhà cụ Kha, bạn già vong niên của ông. Ông bảy mươi, cụ Kha hơn tám mươi nhưng hợp nhau lắm. Sáng nào cũng vậy, cứ tầm trưa là ông lại túc tắc đi bộ đến nhà cụ Kha để chuyện gẫu. Hôm nay, sẵn đang có hứng, bước chân ông Khang có vẻ vững chắc hơn.

“Chào cả nhà. Sao hôm nay đông đủ thế?”. Cả nhà cụ Kha chợt giật mình cùng ngó ra cửa. “Ấy chết! Ông đến từ khi nào thế? Mời ông vào nhà xơi nước!”. Ông Khả, con cả cụ Kha vồn vã. Ông Khang đáp lời: “Tôi vừa ở chỗ bầu cử đến đây. Gớm, kỳ này sôi động quá”. “Ơ! Thế sao bảo tận 22/5 mới bầu cử cơ mà?”. Cụ Kha ngơ ngác hỏi lại. “Vâng, đúng vậy! Em nói là vừa ở chỗ tổ bầu cử đến cơ”. “Thế lần này không bầu ở nhà ông nữa à?”. Cụ Kha ngạc nhiên hỏi lại. Ông Khả sốt sắng thay lời ông Khang: “Không. Thôn có nhà văn hóa rồi, không phải bầu cử nhờ nhà ông Khang nữa”. “Nhờ là nhờ thế nào? Chú nói thế mất cả cái hảo của tôi đi chứ”. “Vâng, em xin lỗi. Ý em là thôn mình có nhà văn hóa rồi, bầu cử lần này không phải làm phiền nhà bác nữa”. Ông Khả chữa lại.

Ông Khang vẫn chưa bằng lòng: “Chú nói thế lại càng không đúng. Phải nói là làng mình làm ăn khấm khá có trụ sở, có nhà văn hóa, việc làng việc xã phải làm ở nơi công sở huống hồ đây là việc đại sự quốc gia. Em nói thế phải không cụ?”. “Phải đấy", cụ Kha cười cười "Tôi đã ra nhà văn hóa rồi. To đẹp ghê”.

“Có bác Khang đây, tiện thể cho em hỏi cái việc bầu cử mình nên làm thế nào? Bác có “chuyên môn” về việc này vì lần nào họ cũng bầu cử ở nhà bác, bác giúp nhà em với. Nhà em đang tranh luận về việc đó đấy bác ạ”, bà Khả thật thà. Cái Hoa, con gái của ông Khả tranh chòi: “Đúng đấy bác ạ. Mẹ cháu cứ bảo ngày 22/5 chỉ cần ông cháu đi bỏ phiếu cho cả nhà là được rồi. Ông cháu rỗi rãi, bố mẹ cháu cùng chúng cháu còn phải đi làm. Đi cả nhà cho mất việc à?”. “Thế cháu năm nay cũng được đi bầu cử à?”, ông Khang hỏi lại. Con bé tự hào: “Vâng. Cháu đủ mười tám tuổi rồi. Cháu có thẻ cử tri đây...

Cụ Kha vuốt vuốt chòm râu bạc nói: Tôi, vợ chồng anh Khả, vợ chồng cháu Khiêm, rồi cháu Hoa nữa tất cả đều là cử tri mới oách chứ. Cháu Hoa nó giống tôi hồi năm “bốn sáu”. Khi đó, tôi vừa đủ mười tám tuổi, tôi có ngay quyền công dân bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên mới oai chứ. Bây giờ đến lượt cháu Hoa, nó cũng đủ mười tám tuổi, đúng kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đấy, phải không chú Khang?”. “Vâng, đúng ạ. Cụ theo dõi đài báo thường xuyên nên hiểu quá”.

Ông Khang đáp lời. Cụ Kha tiếp tục: “Thế cho nên đó là điều vinh dự nhất của đời người. Mười tám tuổi được thực hiện quyền thiêng liêng nhất của công dân, đó là quyền bầu cử. Đi bầu cử là quyền lợi của công dân. Học tập mãi rồi chú Khang nhỉ?”. Cụ Kha vừa nói với ông Khang vừa liếc mắt sang vợ chồng ông Khả. Cái Hoa được thể: “Đấy, bố mẹ thấy chưa? Con phải trực tiếp đi bỏ phiếu đấy”.

Ông Khang cười hở lợi nhìn một lượt từ cụ Kha đến vợ chồng ông Khả, vợ chồng thằng Khiêm và con Hoa. Cái Hoa reo to: “Hoan hô bố! Hoan hô bác Khang. Con sẽ lấy xe máy đèo ông, bố mẹ đèo nhau, anh Khiêm chở chị. Ba chiếc xe máy cắm cờ lên cho oách cả nhà ta cùng tiến về nhà văn hóa thôn bầu cử”. “Cái con này! Liệu ông ngồi được xe máy không mà chưa chi đã...”. “Được chứ ông nhỉ? Ông cứ ôm thật chặt cháu vào, cháu đi thật chậm diễu hành luôn thể. Ngày 22/5, bác Khang chờ nhà cháu đi rồi nhập đoàn cho vui nhé”. “Tất nhiên rồi. Được thế thì còn gì bằng. Nhớ đi sớm dự khai mạc cho hoành tráng, nghe chưa?”.

Mọi người cười vui vẻ. Bất chợt tiếng bài hát “Ngày hội non sông” từ chiếc loa nén trên ngọn cây gạo đầu xóm vọng tới nghe oang oang. Cả nhà thoáng yên lặng để lắng nghe lời bài hát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Cả nhà đi bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO