Ý kiến nhận xét của cử tri chính là “tấm vé” để người ứng cử đi tiếp vào vòng sau

Hoàng Hoài thực hiện| 28/03/2016 15:11

Đó là đánh giá của ông Phạm Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông về việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

ADQuảng cáo

PV: Theo quy định ngày 18/3, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, vậy sau hiệp thương các đơn vị sẽ tiếp tục những bước nào, thưa ông?

Ông Phạm Thanh: Theo quy định của pháp luật về bầu cử, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, những người được lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sẽ được chuyển đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã để tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Thời gian tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri từ ngày 20/3 đến 12/4.

PV: Thưa ông, việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có vai trò như thế nào đối với Hội nghị hiệp thương lần thứ ba?

Ông Phạm Thanh: Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là quá trình giám sát, phát huy quyền làm chủ của người dân đối với những đại biểu mình lựa chọn. Qua đó, giúp Ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan tham gia bầu cử làm tốt việc hiệp thương lần thứ ba, lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt hiệu quả cao.

ADQuảng cáo

Ý kiến nhận xét của cử tri chính là “tấm vé” để người ứng cử đi tiếp vào vòng sau và có nhiều cơ hội hơn để trở thành đại biểu dân cử chứ không hẳn chỉ là việc ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ chính trị cơ bản của công dân trong việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình, cao hơn hết là trách nhiệm đối với “sự lựa chọn của mình” đối với người ứng cử trong tương lai sẽ đại diện cho mình tham gia Quốc hội, HĐND các cấp.

Chỉ có người ứng cử có sự tín nhiệm cao, thật sự có “chất lượng” được cử tri nơi cư trú lựa chọn mới có thể đi tiếp vào vòng sau, được Ủy ban MTTQ các cấp đưa vào danh sách Hiệp thương lần thứ ba và có thể được lập danh sách chính thức những người ứng cử. Hiện nay, cử tri nơi cư trú đã và đang tiến hành nhận xét và tín nhiệm của mình tại Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

PV: Công tác giám sát bầu cử sẽ được MTTQ tỉnh thực hiện tập trung vào những vấn đề nào, thưa ông?  

Ông Phạm Thanh: Từ ngày 20/3-11/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiến hành giám sát đợt 1 các địa phương. Nội dung giám sát về cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên tổ bầu cử. Việc giám sát cũng sẽ tập trung vào những vấn đề như: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử; giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND và thủ tục, hồ sơ ứng cử; việc dự kiến người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử; hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ; chuyển hồ sơ từ Ủy ban bầu cử sang ủy ban MTTQ cùng cấp; số lượng người được giới thiệu ứng cử so với số lượng đại biểu được bầu. 

Đặc biệt, MTTQ các cấp sẽ tăng cường giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử: thành phần, số lượng cử tri; chương trình hội nghị cử tri; xác minh các vụ việc do cử tri nêu… Nhìn chung đến thời điểm này, công tác bầu cử đã được Ủy ban bầu cử các cấp trong tỉnh triển khai đúng tiến độ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến nhận xét của cử tri chính là “tấm vé” để người ứng cử đi tiếp vào vòng sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO