Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển

T.D (t.h)| 28/05/2014 09:17

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (tiếng Anh: United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái Đất. Sau 9 năm đàm phán, ngày 10/12/1982, UNCLOS được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica (tính đến nay, số quốc gia ký là 157). Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

ADQuảng cáo

Nội dung công ước có một loạt điều khoản. Những điều khoản quan trọng nhất quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển đảo, và các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, và dàn xếp các tranh chấp.

Các vùng biển theo Luật Biển quốc tế

Công ước đặt ra giới hạn cho nhiều khu vực, tính từ một đường cơ sở (baseline) được định nghĩa kỹ càng. (Thông thường, một đường biển cơ sở chạy theo đường bờ biển khi thủy triều xuống, nhưng khi đường bờ biển bị thụt sâu, có đảo ven bờ, hoặc đường bờ biển rất không ổn định, có thể sử dụng các đường thẳng làm đường cơ sở). Có các khu vực dưới đây:

Nội thủy

Bao phủ tất cả vùng biển và đường thủy ở bên trong đường cơ sở (phía đất liền). Tại đây, quốc gia ven biển được tự do áp đặt luật, kiểm soát việc sử dụng, và sử dụng mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài không có quyền đi lại tự do trong các vùng nội thủy.

Lãnh hải

Vùng nằm ngoài đường cơ sở có chiều ngang 12 hải lý. Tại đây, quốc gia ven biển được quyền tự do đặt luật, kiểm soát việc sử dụng, và sử dụng mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài được quyền "qua lại không gây hại" mà không cần xin phép nước chủ. Đánh cá, làm ô nhiễm, dùng vũ khí, và do thám không được xếp vào dạng "không gây hại". Nước chủ cũng có thể tạm thời cấm việc "qua lại không gây hại" này tại một số vùng trong lãnh hải của mình khi cần bảo vệ an ninh.

Vùng nước quần đảo

ADQuảng cáo

Công ước đưa ra định nghĩa về các quốc gia quần đảo trong phần IV, cũng như định nghĩa về việc các quốc gia này có thể vẽ đường biên giới lãnh thổ của mình như thế nào. Đường cơ sở được vẽ giữa các điểm ngoài cùng nhất của các đảo ở ngoài cùng nhất, đảm bảo rằng các điểm này phải đủ gần nhau một cách thích đáng. Mọi vùng nước bên trong đường cơ sở này sẽ là vùng nước quần đảo và được coi như là một phần của lãnh hải quốc gia đó.

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Bên ngoài giới hạn 12 hải lý của lãnh hải là một vành đai có bề rộng 12 hải lý, đó là vùng tiếp giáp lãnh hải. Tại đây, nước chủ có thể vẫn thực thi luật pháp của mình đối với các hoạt động như buôn lậu hoặc nhập cư bất hợp pháp.

Vùng Đặc quyền Kinh tế

Rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm vùng Đặc quyền Kinh tế được đưa ra để ngừng các cuộc xung đột về quyền đánh cá, tuy rằng khai thác dầu mỏ cũng đã trở nên một vấn đề quan trọng. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm.

Thềm lục địa

Được định nghĩa là vành đai mở rộng của lãnh thổ đất cho tới mép lục địa (continental margin), hoặc 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chọn lấy giá trị lớn hơn. Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài 200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách quá 100 hải lý. Tại đây, nước chủ có độc quyền khai thác khoáng sản và các nguyên liệu không phải sinh vật sống.

Bên cạnh các điều khoản định nghĩa các ranh giới trên biển, công ước còn thiết lập các nghĩa vụ tổng quát cho việc bảo vệ môi trường biển và bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học trên biển. Công ước cũng tạo ra một cơ chế pháp lý mới cho việc kiểm soát khai thác tài nguyên khoáng sản tại các lòng biển sâu nằm ngoài thẩm quyền quốc gia, được thực hiện qua Ủy ban đáy biển quốc tế (International Seabed Authority).

Các nước không có biển được quyền có đường ra biển mà không bị đánh thuế giao thông bởi các nước trên tuyến đường nối với biển đó.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO