Người Việt chinh phục và khai thác Biển Đông

Việt Hà| 21/10/2016 10:01

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống biển và có văn hóa biển. Từ ngàn xưa, ý tưởng khai thác biển đã in đậm trong tiềm thức của người Việt được thể hiện qua những câu tục ngữ “thuận vợ thuận chống tát Biển Đông cũng cạn”, “rừng vàng, biển bạc”... Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ cho thấy quá trình gắn bó với biển cả của người Việt từ những ngày đầu dựng nước.

ADQuảng cáo

Bãi trứng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

Từ rất sớm  người Việt đã tìm cách tiếp cận biển để khai thác những tiềm năng của biển phục vụ cho cuộc sống thường nhật. Những năm đầu công nguyên, những chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng niên đại trên 2000 năm có khắc nhiều hình thuyền và cảnh chèo thuyền. Điều này đã khẳng định từ xa xưa, người Việt rất gắn bó với sông nước, lấy thuyền làm phương tiện sinh sống.

Những cuộc khai quật khảo cổ học quần đảo Trường Sa của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều hiện vật, gốm sứ từ thời đại Sa Huỳnh, Champa đến các hiện vật điển hình của các triều đại Trần, Lê sơ cho đến thời nhà Nguyễn. Những hiện vật nói trên là minh chứng khoa học giàu sức thuyết phục về sự hiện diện cuộc sống từ rất sớm và liên tục của người Việt trên các vùng biển đảo của đất nước. Qua đó cho thấy, các thế hệ người Việt Nam đã sớm thể hiện khả năng khai thác biển và chinh phục biển khơi.

Từ chỗ coi đánh bắt hải sản là nguồn sống cơ bản, các lớp cư dân Việt cổ đã sớm vươn ra biển, phát triển kinh tế biển, mở rộng kinh tế đối ngoại và giao thương trên biển. Sức mạnh kinh tế và tiềm năng to lớn của đại dương đã trở thành động lực cuốn hút cư dân Việt vươn ra khai phá vùng duyên hải và biển đảo. Sau khi ông cha ta phục hưng được nền độc lập dân tộc vào thế kỷ X, vấn đề chủ quyền lãnh hải luôn được các triều đại quan tâm, chăm lo quản lý và khai thác.

Thời nhà Lý đã thiết lập những trang, thời Trần thiết lập những trấn, thời Hậu Lê đặt tuần kiểm ở các xứ cửa biển, các đồn, các đảo... để quản lý biển, thu thuế của các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển nước ta.

ADQuảng cáo

Thời Nam - Bắc triều rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, các chúa Nguyễn cho thành lập và biến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành một tổ chức của nhà nước và qua đó quyền làm chủ lãnh hải của nước ta được xác định chính thức.

Các triều đại phong kiến, ngoài việc thiết lập chủ quyền lãnh hải và chăm lo quản lý và khai thác, còn tạo điều kiện cho cư dân Việt hướng ra biển để phục cho việc phát triển kinh tế, buôn bán giao thương với nước ngoài. Từ thế kỷ X, thương mại và hàng hải biển được ghú trọng và phát triển.

Nằm trên một trong những tuyến chính của hệ thống hải thương châu Á, trong lịch sử nhiều thương cảng, trung tâm kinh tế đối ngoại đã được thiết lập suốt dọc vùng duyên hải của  nước ta. Các thương cảng này từng giữ vai trò là các Trung tâm kinh tế vùng, liên vùng, trung tâm kinh tế mang tính quốc tế từ Bắc vào Nam như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội Thống (Hà Tĩnh), Thanh Hà (Thừa Thiên – Huế), Hội An (Quảng Nam), Thị Nại – Nước Mặn (Bình Định), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Hà Tiên (Kiên Giang)…

Đặc biệt, sau này các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn liên tục phái các lực lượng dân binh, thủy binh đến xây dựng đền miếu, vẽ hải đồ, đo đạc hải trình, lập bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng đảo khác ở Biển Đông. Cũng khoảng thời gian đó, quá trình thăm dò, tìm kiếm, phát triển quan hệ giao thương với phương Đông, nhiều nhà hàng hải, thám hiểm phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… thường hay ghé vào vùng biển Việt Nam.

Quá trình hàng hải và giao thương đã có những ghi chép, mô tả, vẽ bản đồ khá chi tiết về vị trí của các quần đảo Paracels và Spratly (tức Hoàng Sa – Bãi Cát Vàng, Trường Sa) cũng như các vùng biển đảo khác của Việt Nam. Đến thời cận hiện đại, các thương cảng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn… là những thương cảng lớn, là điểm đi về của nhiều thương nhân trong nước, khu vực và quốc tế trong nhiều thế kỉ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt chinh phục và khai thác Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO