Tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Nguồn SGGP| 04/06/2014 08:40

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.

ADQuảng cáo

Theo PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm), từ năm 2009 - 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam với khoảng 50 cán bộ của viện tham gia. Đề tài khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của viện và tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử. Bản thảo đề tài dài khoảng 3.000 trang đều là những tư liệu hết sức có giá trị, cung cấp căn cứ khoa học và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam. Cuốn sách này gần 500 trang là một phần của công trình đó đã được tuyển chọn kỹ càng về tính khoa học và sự tiêu biểu của những tài liệu được công bố. 

Cuộc họp báo giới thiệu tư liệu khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung cuốn sách giới thiệu 46 đơn vị tư liệu Hán Nôm (là các bộ sử, tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính…) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với các tư liệu, sách được in 3 phần: nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa tiếng Việt. Thời gian tới sách sẽ được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh để cung cấp cho bạn bè quốc tế những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài bản đồ và các bộ sử cổ, cuốn sách còn bao gồm các tập thơ văn, tạp văn viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những ghi chép của các nhà thơ, nhà văn trong những chuyến công cán về hiện trạng lịch sử địa lý lúc bấy giờ, điển hình là tập thơ Đông hành thi thuyết của Lý Văn Phức (1785 - 1849) viết dưới thời vua Minh Mệnh. Đồng thời, còn có những ghi chép từ cuốn Khải đồng thuyết ước do Phạm Vọng và Ngô Thế Vinh nhuận sắc (khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ 1881), đây là cuốn sách giáo khoa dạy các kiến thức về xã hội, địa lý, đề cập tới bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Điều đó cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã luôn quan tâm đến việc giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông cho những thế hệ người Việt Nam. 

ADQuảng cáo

4 ảnh về các bản đồ được công bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, qua các tài liệu được công bố, rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo nằm ở biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam do nhà nước phong kiến các triều quản lý.

Trong khi đó, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định việc phía Trung Quốc viện dẫn bản đồ 2.000 năm lịch sử của Trung Quốc để khẳng định tính pháp lý của “đường 9 đoạn” là hoàn toàn không có thật, chưa từng tồn tại cho đến đầu thế kỷ 20. Những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ 20 đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. 

Mới đây, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh đã phát hiện một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 cũng vẽ biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã phát hiện cuốn sách Giao châu dư địa chí (khắc in thời Nguyễn), được đề viết lại theo sách của Trương Phụ và Mộc Thạch (đời nhà Minh, Trung Quốc) cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong khi đó, những tài liệu của Việt Nam đề cập đến chủ quyền, tính thực thi pháp luật, khai thác tài nguyên của Nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là có rất sớm, hiện nay vẫn được lưu giữ. 

Tại các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan trong và ngoài nước hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu, bản đồ, tư liệu Hán Nôm và các tư liệu viết bằng tiếng nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. “Các tư liệu, bản đồ cũng chứng tỏ trong lịch sử, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Nhà nước Trung Quốc mới chiếm đoạt bằng vũ lực từ năm 1974. Sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng, chứ không thể nói một cách gian lận và trắng trợn như các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay” - PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO