Cải thiện chỉ số cải cách hành chính: Vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Bình Minh| 24/09/2014 09:57

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong năm 2013, mặc dù đã tăng 9 bậc so với năm 2012 và xếp 36/63 tỉnh, thành phố nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh thì công tác này cần có sự phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.

Đã có sự chuyển biến

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả đánh giá chỉ số CCHC (gọi tắt là PAR INDEX) năm 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, PAR INDEX của Đắk Nông năm 2013 đạt 77,48 điểm, cao hơn so với năm 2012 là 4,23 điểm và xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2012. Trong khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông xếp 3/5 tỉnh (sau tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk).

Chất lượng cung ứng dịch vụ y tế công của tỉnh hiện nay vẫn còn thấp nhất cả nước

Còn trong các tỉnh thực hiện Chương trình CCHC do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, Đắk Nông đứng thứ 3/5 trong các tỉnh (sau Lào Cai và Đắk Lắk). Cụ thể, kết quả đánh giá, xếp loại các chỉ số thành phần, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 11,3/14 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh (6,93/10 điểm); cải cách thủ tục hành chính (8,75/10 điểm); cải cách tổ chức bộ máy nhà nước (10,52/12,5 điểm); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (8,91/14,5 điểm); đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (10,02/13 điểm); hiện đại hóa hành chính (9,05/12,5 điểm) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (12/13,5 điểm).

Theo Bộ Nội vụ thì việc đánh giá, xếp loại CCHC dựa trên phương pháp tự đánh giá và điều tra xã hội học nhằm đã đem lại cái nhìn tương đối chính xác, khách quan về tình hình thực hiện công tác CCHC trên toàn quốc. Đây là nguồn thông tin quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương nhìn nhận, đánh giá, đề ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện CCHC trong những năm tiếp theo.

Nhưng cần sớm khắc phục những hạn chế

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với UBND các huyện thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh tổ chức mới đây, đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Bởi vì, qua các đoàn nghiên cứu độc lập của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp, người dân còn than phiền về công tác giải quyết các thủ tục hành chính công hiện nay. Theo đánh giá của UBND tình thì về công tác chỉ đạo, điều hành, rồi việc ban hành kế hoạch hàng năm vẫn chưa kịp thời.

Trong đó, công tác kiểm tra CCHC hàng năm đã được thực hiện, tuy nhiên số lượng cơ quan, đơn vị được kiểm tra còn ít so với tổng số các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Việc bố trí nguồn lực cho công tác CCHC còn hạn chế nên các tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực chưa đạt điểm tuyệt đối.

Về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, việc ban hành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời nên chưa có đầy đủ cơ sở và tài liệu kiểm chứng. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao dẫn đến chỉ số lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện còn đạt điểm thấp.

Bên cạnh đó, công tác ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính chưa kịp thời. Việc xử lý các vấn đề qua rà soát chưa hiệu quả: Chưa thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế nên lĩnh vực CCHC chưa đạt điểm tối đa. Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đây là lĩnh vực có trọng số điểm cao nhất trong các lĩnh vực là 14,5 điểm và số lượng tiêu chí, tiêu chí thành phần nhiều nhất.

Tuy nhiên, điểm số lĩnh vực này của tỉnh trong năm 2013 mới đạt 8,91/14,5 điểm. Thực tế, một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm như xác định cơ cấu công chức, viên chức; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức bố trí theo đúng vị trí việc làm và ngạch công chức còn thấp, tuyển dụng viên chức chưa tuân thủ chặt chẽ quy định…

Chất lượng cung ứng dịch vụ y tế công của tỉnh thấp nhất cả nước. Về hiện đại hóa hành chính, số lượng dịch vụ được cung cấp trực tuyến còn thấp. Chất lượng cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa kịp thời, chưa đầy đủ; mức độ thuận tiện trong truy cập, khai thác thông tin còn hạn chế. Chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả liên quan đến cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” như nơi đón tiếp, thái độ phục vụ của công chức, thời gian trả kết quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính…

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CCHC, gắn nâng cao chỉ số PAR INDEX trên địa bàn, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tăng cường quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Trong đó, các đơn vị, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như ban hành kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tập trung thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ, thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử của tỉnh để trao đổi thông tin, xử lý công việc; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý và cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chỉ số cải cách hành chính: Vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO